Sau thời gian dài bị khủng hoảng về công tác tổ chức, cán bộ khi hàng loạt lãnh đạo bị vướng vào lao lý, kỷ luật, thanh tra... vì liên quan đến các vụ án đất đai, rồi tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, năm 2020 Đà Nẵng chịu kết quả tăng trưởng kinh tế âm đến 10%. Đà Nẵng chỉ hoàn thành 3 trong 8 chỉ tiêu kinh tế xã hội. Thậm chí, kinh tế của Đà Nẵng đã bị kéo ngược về 3 năm trước.
Khi trải qua những khó khăn chồng chất, Đà Nẵng đã nhận ra được nhiều bài học quý giá. Khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, làm tê liệt nền kinh tế, trong đó mũi nhọn du lịch gần như tụt giảm thê lương, nhưng với Đà Nẵng thì khó khăn đã diễn ra hơn 5 qua bởi nhiều biến động khác.
Đó là lý do mà Đại hội Đảng bộ TP và những kỳ họp HĐND mới đây, Đà Nẵng đã bàn rất kỹ về cơ cấu lại nền kinh tế. Du lịch, dịch vụ, đất đai vẫn là một trong những thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực quan trọng nên vẫn duy trì, phát triển. Tuy vậy, Đà Nẵng không "dựa" hẳn vào thế mạnh - là mũi nhọn du lịch hay bất động sản như những năm trước đây. Các lĩnh vực khác như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, logistics... được chú trọng, ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Ngay từ đầu năm 2021, Đà Nẵng đón nhận nhiều đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Trong đó Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án 35 triệu USD Cty TNHH Fujikin International - Nhật Bản. Dự án này được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gồm các thế hệ robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng Hydro, thiết bị Nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới. Đây là dự án thứ 7 đến từ Nhật Bản đầu tư vào khu CNC Đà Nẵng và là dự án có nguồn vốn đăng ký đầu tư lớn thứ 2 sau dự án của Tokyo Keiki (40 triệu USD).
Cũng thời điểm này, một nhà đầu tư khác đến từ Hoa Kỳ cũng đã đề xuất nghiên cứu có quy mô vốn 135 triệu USD với diện tích 10.68ha. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã giới thiệu vị trí một lô đất cho dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D của AREVO INC. - Hoa Kỳ...
Tại cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhìn nhận, kết quả thu hút đầu tư vẫn chưa được như kỳ vọng, quy mô nền kinh tế Đà Nẵng còn nhỏ bé, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 98%. Đà Nẵng vẫn chưa mời gọi đầu tư được các tập đoàn đa quốc gia cùng dự án sản xuất có quy mô lớn; do dó, tính liên kết và lan tỏa, chuyển giao công nghệ cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế.
Sau khi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 2030, tầm nhìn 2045, thì hiện công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, lĩnh vực và ban hành các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch... ở địa phương vẫn còn dang dở. Vì vậy, để kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư các dự án trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, logistics… không phải là câu chuyện dễ dàng và thực hiện được một sớm một chiều.
Nói là không dựa hẳn vào mũi nhọn du lịch, nhưng lĩnh vực du lịch, dịch vụ và cả bất động sản hiện vẫn là nguồn lực quan trọng của Đà Nẵng, của cả miền Trung. Trước mắt, các doanh nghiệp, người dân buôn bán nhỏ cần phải vượt qua khó khăn, khắc tự phục kinh tế, góp phần với địa phương ổn định tình hình sau dịch bệnh.
Xem thêm: odl.155398-hcil-ud-et-hnik-nohn-ium-oav-nah-aud-gnohk/et-hnik/nv.gnodoal