Đại biểu Quốc hội góp ý cho Chính phủ trong nhiệm kỳ tới
Vân Ly
(KTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ sáng ngày 29-3 đã đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua và cũng đưa ra những ý kiến đóng góp cho Chính phủ trong nhiệm kỳ tới.
Một đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận sáng 29-3. Ảnh: Quochoi.vn |
Sáng 29-3, về bản Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, các đại biểu đã đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua và cũng đưa ra những ý kiến đóng góp cho Chính phủ trong nhiệm kỳ tới.
Còn một số hạn chế cần khắc phục
Phát biểu trước Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu quốc hội đoàn Đà Nẵng, cho biết đánh giá cao những thành tựu mà đất nước đạt được trong năm năm qua, như thể hiện trong báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, bà Thúy cũng lưu ý đến một số hạn chế lớn cần sớm khắc phục.
Nói về ba điểm hạn chế lớn mà báo cáo của Chính phủ chỉ ra, bà Thúy nói rằng ở điểm thứ nhất, tuy báo cáo có đề cập đến tình trạng ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững nhưng lại chưa đưa ra những nguyên nhân cụ thể. Bà Thúy đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ ra nguyên nhân và có những giải pháp phù hợp, bởi vì ngành nông nghiệp và nông dân đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước.
“Điểm hạn chế thứ hai là phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hóa nhưng đến nay đã cán mốc hơn một năm rồi, chúng ta vẫn chưa thành nước công nghiệp hóa”, bà Thúy nói. Bà cũng đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng mục tiêu này và có những giải pháp quyết liệt, thiết thực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu.
Hạn chế thứ ba mà đại biểu Kim Thúy nhắc đến là vấn đề kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai công sản còn có những sai lầm ở một số nơi. Bà Thúy nêu vấn đề “báo cáo đặt ra như vậy có nhẹ quá không?” bởi quản lý không chỉ là vấn đề kỷ luật, kỷ cương bị xem nhẹ ở một số nơi mà thực tế có những vi phạm rất nghiêm trọng. “Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, mặc dù Quốc hội đã liên tục giám sát và nhắc nhở nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và không biết đến bao giờ mới xử lý dứt điểm. Hay việc thu phí cao tốc đường bộ đến giờ cũng chưa xong và chưa rõ thời gian hoàn thành, và điều đáng lưu ý là không rõ cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm cho những chậm trễ này”, bà Thúy đặt vấn đề.
Vị đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng còn cho rằng có hai điểm hạn chế cần quan tâm. Đó là vấn đề quản lý công sản và đất đai khi vẫn còn tình trạng khiếu kiện kéo dài. Tình trạng này là do những bất cập về pháp luật đất đai. Mặc dù nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã trình dự thảo luật sửa đổi Luật Đất đai nhưng cũng nhiều lần xin lùi thời gian trình và cho đến nay vẫn chưa thể trình được dự thảo. Bên cạnh đó, cần chú ý đến tinh minh bạch về thông tin, bởi nếu thông tin về đất đai rõ ràng thì sẽ không thể có tình trạng bán "đất ma". Đại biểu đề nghị Chính phủ sẽ sớm xem xét vấn đề này.
Cũng nói về một số tồn tại hạn chế thời gian qua cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo các ngành, các cấp, chính quyền địa phương để tiếp công dân, giải quyết kịp thời thấu đáo những kiến nghị chính đáng của công dân. Quốc hội cần tăng cường giám sát hơn nữa về vấn đề này.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông Tản cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo sát sao hơn nữa việc tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Giáo dục 2019; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; biên soạn, sử dụng sách giáo khoa thiết thực, hiệu quả; quan tâm hơn nữa đến giáo dục toàn diện, nhất là về đạo đức của học sinh trong và ngoài nhà trường, với sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện; thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục thường xuyên giáo dục cho người lớn; học tập suốt đời; xây dựng xã hội học tập, phát huy truyền thống quý báu của một đất nước văn hiến, một dân tộc hiếu học.
Cần chú ý huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển
Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nội dung. Như thực hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển: Quốc hội, Chính phủ đã có ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, đặc biêt là các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, việc huy động vốn thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển, một số dự án BOT tại các địa phương… đã phải chuyển từ hình thức đối tác công-tư sang sử dụng 100% vốn Nhà nước.
Bà Mai nói: “Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách không dễ dàng. Nhưng Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải tạo được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực từ người dân cho phát triển.”
Thứ hai, thực hiện phân cấp trong đầu tư công. Bà Mai cho rằng nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm phát huy tính tự chủ của địa phương. Tuy nhiên, thực tế, không ít địa phương đưa vào danh sách nhiều dự án chưa phù hợp trong khi nguồn lực có hạn, tạo gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến những dự án trọng điểm khác. Do đó, bà Mai đề nghị chấp hành nghiêm Luật Đầu tư công, nếu cần thì Quốc hội nhiệm kỳ mới xem xét sửa đổi. Theo đó, Quốc hội chỉ phê chuẩn danh sách đầu tư công trung hạn và Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ chi tiết, tránh tình trạng giàn trải, manh mún.
“Thứ ba là hạch toán ngân sách theo kết quả đầu ra. Theo đó, phải lấy kết quả cụ thể làm thước đo sử dụng ngân sách. Đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới làm rõ chi tiết số lượng dự án, số ngân sách được phân bổ, đã chi bao nhiêu, chi cho những dự án nào…”, bà Mai nói.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng thời gian qua tình trạng khiếu nại tố cáo còn nhiều; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế…
“Nhiệm kỳ tới, đại biểu đề nghị, cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương triển khai đề án trồng mới 1 tỉ cây xanh...”, ông Nhưỡng nói.
Ấn tượng với nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua
Bên cạnh đó ông Nhưỡng nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, Chủ tịch nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt, việc Chủ tịch nước kêu gọi cả nước đoàn kết trước đại dịch Covid-19 có ý nghĩa rất cao; đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo công tác cải cách tư pháp.
“Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có một số thành công rất quan trọng: thứ nhất, thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ; thứ hai, bắt tay khắc phục các khó khăn, tồn tại từ các nhiệm kỳ trước; thứ ba, ứng phó với các tình huống thiên tai, bất lợi; thứ tư, đặt nền móng tiếp theo cho nhiệm kỳ 2021-2026. Những kết quả đạt được là thành quả của cả nước, nhưng có công lao rất lớn của Chính phủ,” ông Nhưỡng nói.
Cũng tại Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình cao với các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ.
“Chúng tôi rất ấn tượng với nhưng kết quả mà Chính phủ đạt được trong 5 năm qua, rất ghi nhận sự thẳng thắn của Chính phủ về những tồn tại hạn chế, rất chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn, thách thức, ấn tượng rất sâu sắc về một nhiệm kỳ Chính phủ thành công, liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân, nói không với tham nhũng, gần dân, sát dân, giải quyết những vấn đề của đời sống, một Chính phủ quyết tâm phục vụ nhân dân.
Chúng tôi rất ấn tượng với những chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi lắng nghe ý kiến nhân dân, như kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020. Đó là sức mạnh của niềm tin, của lòng tự hào dân tộc”, bà Mai Hoa phát biểu.
Xem thêm: lmth.iot-yk-meihn-gnort-uhp-hnihc-ohc-y-pog-ioh-couq-ueib-iad/549413/nv.semitnogiaseht.www