Chiều 29-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo thông tin về Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Theo đó, đồ án định hướng xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tham gia tại buổi họp báo, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết hiện những trung tâm tài chính thế giới đang có sự xáo trộn nên họ phải mất thời gian để định hình lại, và đây là cơ hội để Đà Nẵng nói riêng lẫn Việt Nam nói chung nắm bắt cơ hội.
“Khi TP Đà Nẵng xây dựng một trung tâm tài chính đạt tầm thì sẽ thu hút được dòng tiền chảy vào Việt Nam, “đại bàng chúa” (các nhà tài phiệt lớn) vào làm “tổ” thì tự động các “đại bàng con”, “bồ câu” sẽ bay về đây”, ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại buổi họp báo. Ảnh: BÙI TOÀN
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Đà Nẵng chưa có bất cứ ngân hàng nào đặt hội sở tại TP thì việc trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực có khả thi, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết vấn đề này chỉ là định hướng, là cơ sở pháp lý để TP Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai các giai đoạn một cách rõ ràng.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chủ trì buổi họp báo. Ảnh: BÙI TOÀN.
“Với nhịp độ phát triển của các mạng 4.0, việc đi theo tuần tự thì TP Đà Nẵng phải mất mấy trăm năm nữa mới thành trung tâm tài chính”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết sẽ xây dựng đề án để xin Trung ương tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn giai đoạn. Xen kẽ vào đó TP sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia và tổ chức quốc tế để thực hiện chặt chẽ các nội dung, quy mô và những khía cạnh pháp lý.
Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh việc xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trung tâm tài chính lớn của khu vực và cả nước mới chỉ ở bước “đặt ra đề bài”, khi có nội dung đề án cơ bản sẽ trao đổi với báo chí về cách làm để Đà Nẵng sớm trở thành trung tâm tài chính trong tương lai gần.