Tôi làm cho công ty từ tháng 6.2020 đến tháng 2.2021 thì nghỉ việc. Công ty tôi nói do tôi không làm đủ 12 tháng nên không có phép năm và không trả tiền cho tôi. Tôi phải làm thế nào để đòi lại quyền lợi?
Bạn đọc có email thachluongxxx@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhờ tư vấn.
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:
Do thời điểm bạn bắt đầu làm việc, Bộ luật Lao động 2012 vẫn còn hiệu lực (hết hiệu lực vào 31.12.2020), nên theo quy định tại điều Điều 114 của bộ luật này về thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ
1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 tiếp tục quy định về nghỉ hằng năm như sau:
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Do đó, nếu công ty không trả tiền cho những ngày bạn chưa nghỉ phép là không đúng quy định. Bạn có thể làm đơn gửi Phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở (thường có hoà giải viên lao động) yêu cầu hoà giải về việc không được trả lương đầy đủ. Nếu sau 5 ngày làm việc kể từ khi gửi đơn mà hòa giải viên lao động không hoà giải hoặc hoà giải không thành thì bạn được quyền khởi kiện công ty ra TAND cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu toà tuyên buộc công ty phải trả tiền những ngày bạn chưa nghỉ phép cho bạn đầy đủ.
Hãy gọi đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.
Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe.
Xem thêm: odl.650398-oan-eht-yl-ux-iahp-man-pehp-neit-art-gnohk-yt-gnoc/taul-pahp-nav-ut/nv.gnodoal