Những ngày cuối năm 2019, thương vụ mua bán sáp nhập giữa Masan và VinGroup tuy ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa phần đều cho rằng, đây là cơ hội lớn cho cả hai bên và quan trọng nhất là thị trường bán lẻ cho người Việt đã có hướng đi mới. Và cho đến nay, bức tranh về thương vụ tỷ đô VinCommerce với chiến lược giữ lại thị phần bán lẻ của người Việt, cho người Việt đang ra sao?
SỰ BIẾN CHUYỂN ĐƯỢC GHI NHẬN TỪ NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Trong quý đầu tiên được Masan tiếp quản, doanh thu bán lẻ của VinCommerce (sở hữu VinMart, VinMart+) tăng 40% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, đà tăng chủ yếu đến từ việc tăng trưởng doanh số bán hàng trên cùng cửa hàng tại Hà Nội, và các thành phố cấp 1, 2. Thời điểm này, Masan cho biết biên Ebitda (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của công ty này tăng thêm 5% so với quý liền trước (4/2019) nhờ tăng hiệu suất nhân viên tại cửa hàng, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp, và tăng doanh thu trung bình trên mỗi m2.
Tiếp theo, trong báo cáo quý 2/ 2020 của Masan, tuy hệ thống chuỗi bán lẻ chịu ảnh hưởng lớn trong bối cảnh giãn cách xã hội trong tháng 4 và tháng 5/2020, nhưng các nền tảng kinh doanh của hệ thống VinCommerce cơ bản ổn định trong quý này. Kế hoạch cải thiện hiệu quả hoạt động vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Lượng khách đến cửa hàng tăng 11% vào tháng 7/2020 so với tháng 6/2020. Trong đó, tại siêu thị mini VinMart+, ghi nhận doanh thu quý 2/2020 tăng 51,4% so với cùng kỳ, SSSG tăng do giá trị hóa đơn trung bình tăng trưởng 9,5%, bù đắp cho lượng khách đến cửa hàng giảm 5,8% do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội trong tháng 4 và tháng 5/2020.
Bước sang quý 3/ 2020, doanh thu VinMart+ tăng 38,4% so với quý 3/2019 và tăng 56,5% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với 9 tháng đầu năm 2019 dù đã đóng cửa 421 cửa hàng. Cụ thể, tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương (LFL) lần lượt là 8,4% trong quý 3 và 11,2% trong 9 tháng đầu năm. Tăng trưởng LFL được thúc đẩy bởi giá trị hóa đơn trung bình tăng trưởng 18,1% trong quý 3/2020 - các cửa hàng tại Tp.HCM có mức tăng trưởng nhanh nhất, đạt 25,4%.
Tại Tp.HCM, tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương đạt 14,9% trong quý 3/2020 so với quý 3/2019, tăng 25,4% giá trị hóa đơn trung bình, dù lượng khách đến cửa hàng giảm 7,9% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quan trọng nhất, biên Ebitda cấp cửa hàng đã cải thiện 4,9% đối với những cửa hàng mở cửa trước năm 2019, trên cơ sở so sánh tương đương (LFL).
Tại Hà Nội, tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương tại đây với các thành phố cấp 1 (Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) tăng trưởng hơn 4%, trong khi tại các thành phố cấp 2 (ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh) doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương tăng 15,7%. Đối với các cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố cấp 1, với hơn 60% doanh thu đóng góp vào mảng siêu thị mini, doanh thu/m2 đạt điểm hòa vốn hơn 7,5 triệu đồng/m2/tháng.
2021: SAU THÀNH CÔNG TÁI CƠ CẤU ĐƯA VINCOMMERCE ĐẠT EBITDA DƯƠNG QUÝ 4/2020
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang, cho biết: "Chúng tôi tin rằng, chỉ những thay đổi bứt phá mới có thể mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng. Với sự tự tin và khát khao phụng sự, chúng tôi cởi mở chia sẻ tầm nhìn của Masan, dù không phải ai cũng đồng ý hay thấu hiểu tầm nhìn này cho đến khi quá trình chuyển đổi hoàn tất."
Có thể nói, việc VinCommerce lần đầu đạt Ebitda dương trong quý 4/2020 đã cho thấy chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên. "Đây là cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành Tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline hàng đầu Việt Nam, ông Quang chia sẻ thêm.
Theo tường thuật của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) cho biết năm 2021, ban lãnh đạo dự kiến doanh thu của VCM sẽ trong khi đặt mục tiêu lỗ ròng của công ty giảm xuống còn dưới 1 nghìn tỷ đồng.
Phía Masan kỳ vọng nhiều yếu tố sẽ giúp VCM cải thiện khả năng sinh lời trong năm 2021. Đầu tiên là triển vọng tăng trưởng doanh số tại cửa hàng hiện hữu nhờ những điều chỉnh đối với mô hình cửa hàng. Thứ hai là các khoản tiết kiệm từ các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả đã đóng cửa trong năm 2020. Các cửa hàng này gây lỗ Ebitda (lỗ trước thuế, khấu hao và lãi vay) 424 tỷ đồng trong năm 2020.
Cùng với đó, các điều khoản thương mại tốt hơn thông qua đàm phán với các nhà cung cấp cũng sẽ giúp tổng biên lợi nhuận thương mại của VCM sẽ tăng thêm 2-3 điểm% trong năm 2021. Đơn vị sẽ cùng các đối tác chung tay tăng cường mức đầu tư, đổi mới sản phẩm và phát triển thương hiệu, xây dựng mô hình hợp tác 'Win - Win', tạo sự bình đẳng giữa các nhà phân phối trong thị trường bán lẻ Việt Nam.
Đại diện VinCommerce cũng khẳng định, quan điểm của VCM là tất cả các nhà cung cấp đều bình đẳng, người tiêu dùng là người lựa chọn và quyết định. VCM đảm bảo hàng hóa nội bộ không có đặc quyền nào tại VinMart/VinMart+, tất cả hàng hóa được nhập đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như nhau.
Với tất cả các nhà cung cấp, đơn vị này đều ký kết minh bạch và có chính sách giám sát nhân viên, đảm bảo hợp tác dựa trên nền tảng tin cậy, liêm chính, công bằng và hai bên cùng có lợi.
Hội nghị đối tác 2020 là Hội nghị đối tác đầu tiên được VCM tổ chức "dưới thời" Masan. Sự kiện thu hút hơn 450 khách mời gồm đại diện của hơn 200 nhà cung cấp lớn trong nước tham dự trực tiếp, 50 khách mời quốc tế tham dự qua kênh trực tuyến.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc VCM - tri ân sự đồng hành của các nhà cung cấp và bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong thời gian tới.
Về việc điều chỉnh mô hình cửa hàng, ban lãnh đạo Masan cho biết sẽ tập trung vào tối ưu hóa danh mục sản phẩm, theo đó, danh mục sản phẩm sẽ đồng nhất hơn giữa các cửa hàng, đồng thời có tỷ lệ hàng tươi sống cao hơn so với trước đây.
Đáng chú ý, Masan sẽ tập trung tối ưu hóa cách sắp xếp cửa hàng theo hướng giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy sản phẩm mong muốn, thay vì gia tăng kích thước cửa hàng. VCM sẽ giữ quy mô cửa hàng VinMart+ (siêu thị mini) ở mức 100-120 m2/cửa hàng và VinMart (siêu thị) ở mức 1.000-2.000 m2/cửa hàng.
Ban Điều hành đang điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bày trí bằng việc khai trương các cửa hàng thí điểm mới tại Tp.HCM và Hà Nội. Các mô hình thí điểm này sẽ được áp dụng khi mở cửa hàng mới nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, Masan cho biết sẽ tiếp tục tạo các lực đẩy từ các sáng kiến tối ưu hóa chi phí khác.
Tại thời điểm sáp nhập thương vụ tỷ đô, kỳ lân ngành hàng tiêu dùng - The CrownX là công ty con nắm giữ 83,74% cổ phần VCM (Đơn vị sở hữu 100% vốn VinCommerce - vận hành chuỗi VinMart, VinMart+) và 85,71% vốn tại Masan Consumer Holdings (Công ty sở hữu 95,24% vốn tại Masan Consumer). Và mới đây, theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, trong tháng 6 và 8/2020, Công ty đã mua 14,8% vốn chủ sở hữu của The CrownX từ bên thứ ba (ở đây là Tập đoàn VinGroup) với tổng số tiền là 23.692 tỷ đồng. Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Masan trong The CrownX tăng từ 70% lên 84,8%.
Để thúc đẩy thị trường nông sản nội địa, VinCommerce triển khai đồng loạt nhiều giải pháp: Xây dựng các chương trình kết nối cung cầu bán hàng không lợi nhuận, bán hàng bình ổn giá, các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, kích cầu với mức giá hấp dẫn; giải cứu nông sản - Đặc biệt tại điểm bán, các nhà cung ứng địa phương được ưu tiên vị trí trưng bày, hỗ trợ truyền thông quảng cáo các sản phẩm tới người tiêu dùng.