Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Kế hoạch được phê duyệt dựa trên các quy định phát luật và trên cơ sở đề nghị của HĐTV Tập đoàn TKV về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và đăng ký chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp năm 2021.
Theo kế hoạch được phê duyệt, chỉ tiêu tổng doanh thu cho công ty mẹ TKV năm 2021 là 92.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.600 tỷ đồng, và kế hoạch vốn đầu tư tối đa không quá 6.704 tỷ đồng.
Chỉ tiêu trên xem ra khá thấp so với chính kế hoạch mà tập đoàn TKV đặt ra trước đó. Cụ thể, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 hồi trung tuần tháng 1/2021, tập đoàn này đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021, trong đó tổng doanh thu toàn tập đoàn 123,88 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách 17,9 ngàn tỷ đồng, và lợi nhuận 3.000 tỷ đồng.
Mức chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trên tương đương với kế hoạch đạt được của TKV trong năm 2020, khi doanh thu toàn Tập đoàn đạt 123.425 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 19.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy hai chỉ tiêu chính là doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của TKV được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt đều giảm rất mạnh so với kế hoạch mà TKV đặt ra, trong đó lợi nhuận giảm khoảng gần 1.000 tỷ đồng, tương đương giảm 50%; và doanh thu giảm hơn 31 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm gần 34%.
Dễ hiểu, kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là "chỉ tiêu pháp lệnh" – tức TKV tối thiểu phải đạt được mức kế hoạch này, còn nếu thấp hơn thì có thể bị xem là "có vấn đề".
Tuy vậy, khi "chỉ tiêu pháp lệnh" quá thấp so với kế hoạch đặt ra, một mặt sẽ tạo cho doanh nghiệp khoảng trống dễ thở hơn, nhưng mặt khác, "vô tình" sẽ hạn chế năng lực sản xuất kinh doanh và sáng tạo của doanh nghiệp.