vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ cuối: Đừng để "tàn đời" vì tín dụng đen

2021-03-30 13:28

NHỮNG CHIẾC "THÒNG LỌNG" VÔ HÌNH

Qua một số vụ án vừa bị lực lượng Công an triệt phá gần đây cho thấy, lãi suất vay có trường hợp còn lên tới 1.000% như qua ứng dụng "Vaytocdo", người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng, nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 đồng tiền lãi trong 08 ngày), nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày. Đối với khách hàng vay qua ứng dụng "Moreloan" và "VD online", người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900.000 đồng, số còn lại là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày.

Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng, nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày. Như vậy, với hình thức cho vay trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm. Ngoài ra còn vô vàn các dịch vụ cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao khác như "Vayvay", "Samsetvay", "IDong"; "VDong; "One Click Money"; "DoctorDong"; "Scash"; "ATM Online"; "Online VĐồng"... đang hàng ngày, hàng giờ "giăng bẫy" trên không gian mạng.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà

Đáng chú ý là trên thực tế, nhiều website hay app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo Ngân hàng Nhà nước, "bản chất của vay ngang hàng, vay online là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay mua nhà, ôtô; tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp... Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý đối với mô hình này; do đó không ít cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi đang núp bóng P2P Lending để cho vay với lãi suất cắt cổ, kéo theo cách thức đòi nợ cũng mang đậm tính chất xã hội đen".

KHÔNG ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO VỆ

Một cán bộ Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng cho biết, trong công tác xét xử thời gian gần đây nổi lên hiện tượng giao dịch mua bán tài sản nhằm che dấu giao dịch vay tài sản thông qua các hợp đồng giả tạo. Người vay không chỉ phải chịu lãi suất cao, mà còn bị ép buộc ký kết với chủ nợ giao dịch mua bán tài sản (thường là nhà, đất) với giá chuyển nhượng (mua, bán) thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Tất nhiên, phần thiệt hại luôn thuộc về con nợ, nhưng pháp luật cũng không thể bảo vệ họ trước "giấy trắng, mực đen".

Ngoài việc phải khốn đốn vì khoản nợ cứ tăng lên theo cấp số nhân, không ít người phải bán nhà cửa, đất đai, tài sản với giá "bèo" để nhanh chóng thanh toán nợ nần, bị đe dọa, đánh đập hoặc bị những đối tượng xăm trổ hung hãn mang theo băng rôn đòi nợ đến nhà riêng, nhà bố mẹ anh em, cơ quan, đơn vị của người vay tiền để gây áp lực trả nợ..., người vay còn bị ép viết giấy vay nợ với vô vàn lý do "hợp lý” khác nhau. Đáng chú ý, các giấy vay nợ, hợp đồng này đều được bên thứ ba có trình độ pháp luật tư vấn giúp các đối tượng cho vay nên cơ bản đều đúng thể thức và nội dung của pháp luật, do đó nếu có tranh chấp ra Tòa án thì Tòa án cũng không thể tuyên hợp đồng vô hiệu được.

Không ít trường hợp, mặc dù đã đi vay mượn người thân, bạn bè, thậm chí bán nhà cửa, tài sản để trả nợ, nhưng chủ nợ vẫn tìm cách trì hoãn việc trả nợ của con nợ bằng các lý do đang đi vắng xa nhà, đang đi nước ngoài... để con nợ không tìm được chủ nợ để trả nợ nhằm kéo dài thời gian vay nợ, để chủ nợ bòn rút hết tài sản của con nợ như một số vụ việc đã được phản ánh ở khu vực miền Trung Tây nguyên và các tỉnh phía Nam. Thậm chí, nếu con nợ là cán bộ, công chức, là quân nhân... đang có vị trí công tác tốt thì chủ nợ làm đơn tố cáo người vay nợ đã lợi dụng vay tiền để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của bên cho vay. Các hợp đồng được lập trước đó giữa chủ nợ và con nợ về việc con nợ nhận tiền của chủ nợ để xin việc, làm ăn, đáo nợ... sẽ được con nợ photo gửi kèm để chứng minh. Vậy là, người vay tiền không chỉ phải bán nhà, tài sản để trả nợ cho con nợ, còn bị cơ quan, đơn vị xử lý kỷ luật.

Nhóm đối tượng người Trung Quốc và Việt Nam bị CAQ2 bắt giữ về hành vi hoạt động tín dụng đen và cho vay nặng lãi thông qua app

Trong trường hợp người đi vay khi không có khả năng thanh toán, phải đi trốn nợ, các chủ nợ sẽ gửi đơn đến cơ quan điều tra để tố cáo người vay tiền lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi cơ quan điều tra tiến hành giám định các hợp đồng vay tiền thì chữ ký, điểm chỉ đều đúng là của người đi vay tiền. Lúc này, từ sự việc cho vay tiền bất hợp pháp ban đầu đã bị chuyển hóa thành vụ án hình sự và cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc chứng minh để vạch trần thủ đoạn của đối tượng cho vay lãi. Cá biệt có một số người vay tiền khi bị chủ nợ ép buộc trả nợ nhiều lần, sợ cơ quan, đơn vị và gia đình biết nên đã tự tử để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ...

Sau 1 năm thực hiện chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", hàng ngàn ổ nhóm tín dụng đen, tổ chức cho vay nặng lãi đã bị đánh sập; tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng, tường, cây xanh, trên các website và mạng xã hội giảm rõ rệt... Theo thống kê của Bộ Công an, trong một năm, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến "tín dụng đen", đã khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can; xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng. UBND các địa phương cũng có các tổ công tác liên ngành tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen", treo biển kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh, hỗ trợ tài chính, quảng cáo cho vay tiền... nhằm phát hiện, xử lý sai phạm.

Các địa phương đã tiến hành 11.219 lượt kiểm tra với 10.711 cơ sở kinh doanh được kiểm tra (trong đó nhiều cơ sở đóng cửa, không hoạt động), phát hiện 1.667 cơ sở vi phạm với các lỗi khác nhau (chiếm 15,56 %), xử phạt hành chính 404 cá nhân, sung quỹ Nhà nước hàng trăm triệu đồng, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT của 101 cơ sở kinh doanh. Qua công tác kiểm tra của tổ công tác liên ngành cũng đã phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm và khởi tố về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Tang vật thu tại hiện trường

Cảnh báo tình trạng cho vay qua ứng dụng công nghệ với lãi suất cao hiện đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu kết thúc, thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết, lực lượng CSHS cũng như lực lượng CAND nói chung đã sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an và các cấp, các ngành triển khai các biện pháp phòng ngừa, phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Cảnh sát An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao tập trung quyết liệt đấu tranh với những hoạt động của tội phạm "tín dụng đen".

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục CSHS có Kế hoạch 145, yêu cầu lực lượng CSHS Công an tất cả các đơn vị, địa phương sẵn sàng tiếp nhận tin báo, phản ánh những hành vi lợi dụng cho vay qua app này để đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe người dân để giải quyết theo pháp luật. Mọi người dân có thể gọi, gửi trực tiếp đơn trình báo cho lực lượng Cảnh sát kinh tế hoặc qua điện thoại 113.

Được biết tội phạm cho vay nặng lãi qua ứng dụng công nghệ có thủ đoạn rất tinh vi, tội phạm mạng thường ẩn danh, rất khó phát hiện, khó truy tìm "dấu vết số", khiến công tác đấu tranh với dạng tội phạm này gây nhiều khó khăn cho lực lượng công an, thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an nhìn nhận, cần xây dựng hệ thống pháp luật làm sao để quản lý không gian mạng một cách chủ động hơn, ví dụ xây dựng các quy định về Luật An ninh mạng, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng...

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng nhất chính là, mỗi người dân, đặc biệt là những người trẻ, cần phải tỉnh táo trước khi quyết định tham gia vào các dịch vụ vay, mượn, huy động tiền trái quy định của pháp luật để tránh những hệ lụy tiêu cực xảy ra cho chính bản thân và gia đình mình.

Kỳ 5: Vì sao các đối tượng biết vi phạm nhưng vẫn hoạt động?
(CATP) Theo đánh giá của Bộ Công an, mặc dù các cơ quan chức năng quyết liệt truy bắt, triệt phá các tổ chức cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen... nhưng nhiều đối tượng khác vẫn tiếp tục vi phạm. Vậy đến bao giờ tội phạm cho vay nặng lãi không còn "đất sống"?
 
Trà My - Duy Luân

Xem thêm: lmth.775901_ned-gnud-nit-iv-iod-nat-ed-gnud-iouc-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án Tín dụng vay

“Kỳ cuối: Đừng để "tàn đời" vì tín dụng đen”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools