Ngày 30-3, Trường ĐH Luật TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 45 năm ngày truyền thống và 25 năm mang tên Trường ĐH Luật TP.HCM.
Theo báo cáo, sau 45 năm phát triển, 25 năm đổi tên, Trường ĐH Luật TP.HCM là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất nước, có những chuyển biến vượt bậc.
Hiện nay, trường đào tạo đa ngành với nhiều chương trình liên kết quốc tế, đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu, với 18 Phó giáo sư, 56 tiến sĩ và 222 thạc sĩ), đáp ứng 95.3% giảng viên có trình độ sau đại học. Giảng dạy bằng ngoại ngữ đạt khoảng 30 giảng viên ở tất cả các chuyên ngành.
Trường có hai cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại và cơ sở thứ ba đang trong quá trình xây dựng.
Nhà trường cũng đã đặt quan hệ hợp tác và chính thức ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác với 34 cơ sở đào tạo và hành nghề luật của các nước như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản…
Chỉ tính trong bày năm qua (từ năm học 2013-2014 đến năm học 2019-2020), Trường ĐH Luật TP.HCM đã tuyển sinh và đào tạo được 28.664 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh.
Trong đó trình độ đại học hệ chính quy có 15.114 sinh viên (gồm 12.407 văn bằng một và 2.707 văn bằng hai), 10.837 sinh viên trình độ đại học hệ vừa làm vừa học có, 2.622 học viên trình độ thạc sĩ và 91 nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ.
Trường có hơn 31 bài báo đăng trên các chuyên san về pháp luật của nước ngoài, trong đó có một bài thuộc danh mục ISI và bài bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục Scopus.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (giữa) tặng bằng khen và hoa cho tập thể Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: NTCC
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT chúc mừng tập thể Nhà trường đã đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong thời gian tới, định hướng của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học là tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường sự tự chủ cho các sơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với sự phát triển, sự khẳng định vị thế của các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Trường ĐH Luật TP.HCM cần làm tốt ba nhiệm vụ lớn.
Thứ nhất, về cơ sở vật chất, nhà trường cần có các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tốc độ xây dựng, nghiệm thu dự án tại Quận 9, TP.HCM. Bộ sẽ có các giải pháp, phối hợp với UBND TP.HCM để hỗ trợ nhà trường trong dự án này. Nhà trường cần tiếp tục rà soát, chủ động đẩy nhanh thủ tục cần thiết các dự án tại Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Thứ hai, về bộ máy và đội ngũ giảng viên: Trường cần chủ động tổ chức, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có các giải pháp hữu hiệu để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, vì một trường đại học muốn vươn cao, vươn xa thì không thể không có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có uy tín và chất lượng.
Thứ ba, về đào tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM cần chủ động xây dựng đa dạng các chương trình đào tạo để phục vụ nhu cầu xã hội, không chỉ một bằng mà song bằng, liên thông giữa các chương trình luật với quản trị và các lĩnh vực khác, giữa các cấp độ đào tạo, chú trọng các chương trình tiên tiến, trao đổi chương trình và đội ngũ giảng viên giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Phúc cũng lưu ý, giáo dục trực tuyến và ứng dụng chuyển đổi số là xu thế cạnh tranh tất yếu và là phương thức chuyển đổi quan trọng của các trường đại học trong cách mạng công nghiệp 4.0 và nó rất phù hợp trong thời kỳ đất nước và thế giới bị tác động bởi đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra. Trường ĐH Luật TP.HCM cần chủ động có các giải pháp hữu hiệu về việc này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn Trường ĐH Luật TP.HCM cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp quốc gia, cấp bộ, nhất là các đề tài gắn với xã hội, với địa chỉ ứng dụng cụ thể.
Tại buổi lễ kỉ niệm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đã thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho gần 20 cá nhân, tập thể của nhà trường vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.