Người dân Myanmar chạy nạn tại tỉnh Mae Hong Son của Thái Lan ngày 29-3 - Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Myanmar dùng vũ khí hạng nặng?
Hãng tin Reuters ngày 30-3 dẫn lời các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh ở thành phố Yangon ngày 29-3 sử dụng một loại vũ khí hạng nặng hơn bình thường để giải tỏa hàng rào bằng bao cát.
Hiện vẫn chưa rõ loại vũ khí nào đã được sử dụng. Một người dân ở quận South Dragon, thành phố Yangon, mô tả nhiều tiếng súng vang khắp nơi suốt đêm và lo ngại sẽ có nhiều người thiệt mạng.
Còn truyền thông quốc gia Myanmar đưa tin lực lượng an ninh đã sử dụng "vũ khí chống bạo động" để giải tán "những kẻ khủng bố bạo lực" đang phá hoại và làm người khác bị thương.
Những người biểu tình Myanmar đã nghĩ ra chiến thuật mới ngày 30-3 khi kêu gọi người dân vứt rác ra đường tại những giao lộ trọng điểm ởYangon.
"Cuộc đình công rác này là để phản đối chính quyền", một người đăng trên mạng xã hội. Loa phát thanh tại nhiều khu vực ở Yangon đã phải phát thông điệp kêu gọi người dân bỏ rác đúng chỗ.
Ủy ban Tổng đình công quốc gia, một trong những nhóm chính ủng hộ các cuộc biểu tình, ngày 29-3 cũng kêu gọi các lực lượng dân tộc thiểu số hỗ trợ chống lại "sự áp bức bất công" của quân đội. Ít nhất 3 nhóm sau đó đã cùng kêu gọi "quân đội ngừng giết những người biểu tình ôn hòa" và giải quyết các vấn đề chính trị, theo Reuters.
Theo Reuters, ngày 27-3 được coi là ngày đẫm máu nhất với 141 người chết và thêm 14 người chết nữa trong ngày 29-3. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Myanmar chỉ xác nhận 45 người chết trong ngày 27-3.
Chuyên gia kêu gọi Trung Quốc hành động
Trả lời Đài CNBC hôm 29-3, ông Herve Lemahieu, giám đốc Chương trình quyền lực và ngoại giao của Viện Lowy, nhận định tình hình Myanmar trở nên ngày một phức tạp và khó ổn định hơn vì quân đội tiếp tục sử dụng "quyền lực súng đạn".
"Chúng ta đang ngày một tiến gần đến thời điểm có thể xem Myanmar cơ bản là một nhà nước thất bại", ông Lemahieu nói.
Ông Lemahieu cảnh báo kết quả của tình trạng hiện nay sẽ khiến Myanmar ngày một bất ổn và "ngày càng khó quản lý". Các nước phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực tại Myanmar.
Tuy nhiên, ông Lemahieu cho rằng hiện khó có thể xuất hiện đột phá tại Myanmar, trừ phi Trung Quốc có động thái đáng kể.
"Ít nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, và có thể là cả Nhật Bản cùng thống nhất… về việc gây áp lực buộc thống tướng Min Aung Hlaing về hưu vào tháng 6, đúng như dự tính ban đầu của ông. Đó sẽ là tín hiệu đầu tiên cho thấy mọi thứ đang thay đổi", ông Lemahieu giải thích.
Với cùng quan điểm này, ông Rodger Baker - phó chủ tịch chuyên về phân tích chiến lược và tư vấn địa chính trị của hãng nghiên cứu Stratfor - kêu gọi nỗ lực chung từ cộng đồng quốc tế để mang ổn định trở về Myanmar.
"Tôi nghĩ áp lực lớn đối với quân đội này sẽ là về kinh tế. Nhưng hiện chưa rõ liệu chỉ riêng các lệnh trừng phạt của phương Tây có đủ sức chấm dứt và ngắt nguồn thu của họ hay không. Cụ thể, cần cả Trung Quốc ngừng trao đổi kinh tế với Myanmar", ông Baker nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia Stratfor trên cho rằng thách thức nằm ở chỗ Trung Quốc "không muốn đẩy các nước láng giềng ra xa". Vì thế, ông dự đoán việc chấm dứt sớm khủng hoảng Myanmar là rất khó.
Lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing đã có một bữa tiệc hôm 27-3, Ngày quân lực Myanmar. Các hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy tướng Min mặc áo khoác trắng, đeo nơ, bước đi trên thảm đỏ và vẫy chào những người dự tiệc.
Đây là lễ thường niên để kỷ niệm cuộc kháng chiến chống Nhật trong Thế chiến II và nhân dịp quân đội nước này vừa thực hiện cuộc duyệt binh phô diễn lực lượng, theo Đài CNN.
Ngày 27-3 cũng là ngày đẫm máu nhất về số người chết kể từ khi phong trào biểu tình chống đảo chính bùng nổ ở Myanmar.
TTO - Bất chấp các tuyên bố lên án và những động thái trừng phạt từ quốc tế, bạo lực vẫn tiếp diễn ở Myanmar. Hôm qua 29-3, các cuộc biểu tình vẫn nổ ra và máu tiếp tục đổ với nhiều người thiệt mạng.