Thúc đẩy hòa giải trực tuyến trong thời kỳ Covid-19
Vân Ly
(KTSG Online) - Dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực, do đó Trung tâm Hòa giải Việt Nam đang muốn thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hòa giải trực tuyến.
Tọa đàm hòa giải trực tuyến ngày 30-3. Ảnh: Vân Ly |
Với mong muốn trên cũng như nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, hòa giải viên và các chuyên gia có góc nhìn rõ hơn về xu hướng giải quyết tranh chấp trực tuyến, ngày 30-3 Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức tọa đàm về nội dung này.
Trung tâm Hòa giải Việt Nam cho rằng, sự bùng phát của Covid-19 đã tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, nó lại là động lực mạnh mẽ cho những thay đổi tích cực trong việc số hóa các chuỗi cung ứng. Việc ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp được đánh giá là hướng đi tối ưu, đồng thời tận dụng tốt “giai đoạn vàng” chuyển đổi số nói trên.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC cho rằng, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin trên toàn thế giới đã ảnh hưởng và làm thay đổi căn bản cách thức chúng ta thực hiện các hoạt động trong đời sống kinh tế, xã hội.
Xu hướng dịch chuyển số nêu trên có thể thấy rõ nét qua việc hàng loạt sản phẩm ứng dụng công nghệ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày ra đời. Các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cũng năm bắt và tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích nghi và tận dụng được ưu điểm mà số hóa mang lại.
Thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng đã có những bước tiến lớn. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 15% và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Dương, dịch bệnh Covid-19 với các yêu cầu giãn cách xã hội để đã thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Do có bản chất là một loại hình dịch vụ phục vụ giải quyết tranh chấp thương mại, hòa giải thương mại cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng của các xu thế nói trên.
Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp được đánh giá là hướng đi tối ưu và là xu hướng phù hợp. Là phương thức có nhiều ưu điểm vượt trội, hòa giải thương mại dễ dàng hấp thụ các tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hòa giải.
Tuy vậy, theo Trung tâm Hòa giải Việt Nam, để có thể triển khai phương thức giải quyết tranh chấp và hòa giải trực tuyến, bên cạnh việc phải mở cửa khung pháp lý, cần sự nỗ lực của các tổ chức có tiềm năng cung cấp giải pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Ngoài ra cần sự cởi mở trong quan điểm, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và các nhóm người dùng tiềm năng. Theo đó, song song với việc vận hành quy trình hòa giải thương mại truyền thống, Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã tiến hành xây dựng nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp nhằm cung cấp thêm một mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả về thời gian, chi phí với sự ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số.
MedUp là nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến được vận hành độc lập bởi Trung tâm Hòa giải Việt Nam với quy trình hòa giải truyền thống được đưa lên môi trường mạng. MedUp được tự động hóa tối đa các bước với các thời hạn quy định được rút ngắn, mang lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp. |
Theo ông Dương, nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp giai đoạn đầu tiên sẽ nhắm tới, đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C, bao gồm các tranh chấp tín dụng, các tranh chấp thông qua sàn thương mại điện tử) thông qua hòa giải trực tuyến, sau đó sẽ tiến tới tất cả các tranh chấp thương mại trong mọi lĩnh vực.
Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế (Top 20) có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng internet đạt gần 70%, trong khi đó trung bình của thế giới là hơn 51%... Đây là những con số mà ông Dương cho rằng định hướng cho phát triển nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp.
Tuy nhiên, ông Dương cho hay, để hòa giải trực tuyến nói riêng hay hòa giải thương mại nói chung được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận rộng rãi và phát huy hiệu quả, giúp giải quyết các tranh chấp nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho xã hội thì cần sự chung tay từ Chính phủ, Bộ Tư pháp và từ các tổ chức như Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, từ các doanh nghiệp, các luật sư...
Xem thêm: lmth.91-divoc-yk-ioht-gnort-neyut-curt-iaig-aoh-yad-cuht/389413/nv.semitnogiaseht.www