Ngày 30-3, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết đã phát hiện một số lô hàng cá tầm nhập khẩu không đúng với khai hải quan, không đúng với giấy phép do cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp.
Theo đó, vào ngày 17-3, Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại.
Cá tầm Trung Quốc tràn vào khiến giá cá tầm trong nước giảm 25%-30%. Trong ảnh: Cá tầm nuôi tại một trang trại ở Lâm Đồng. Ảnh: TN
Kết quả sau đó xác định hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp.
"Trước tình hình trên, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp ngày 23-3 thì toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan" - Tổng cục Hải quan thông tin.
Hiện Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã mời doanh nghiệp để yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.
Một trường hợp khác, ngày 19-3, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Chi cục Hải quan lấy mẫu giám định ngay tại cửa khẩu. Kết quả giám định cho thấy hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép Cites do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp.
Để kịp thời ngăn chặn việc nhập khẩu cá tầm không thuộc danh mục loài thủy sản được kinh doanh tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu.
Hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với cơ quan hải quan lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu ngay tại cửa khẩu; không cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kiểm dịch tại các địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Đồng thời thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng cá tầm nói riêng và các mặt hàng động vật, thực vật tươi sống hoặc đã qua chế biến nhập khẩu.
Từ trước và sau tết Nguyên đán, cá tầm từ Trung Quốc ào ạt nhập vào Việt Nam với nhiều chủng loại lạ, giá cả thấp dẫn đến cá tầm nuôi tại các trang trại trong nước gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Do vậy, Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, Hội Nghề cá Việt Nam… đã có hàng loạt văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.