Chiều 30-3, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với 454/455 đại biểu (ĐB) QH tham gia biểu quyết tán thành. Luật gồm tám chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
Hàng loạt hành vi bị cấm
Một số hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được quy định là trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy. Nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, tồn trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện...
Luật nghiêm cấm chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Luật cũng nghiêm cấm hành vi giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái với quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật.
Cấm sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy…
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với số người tán thành là 94,58% . Ảnh: QH
Xác định tình trạng nghiện
Trước đây, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được nhiều ý kiến đồng thuận.
Theo ĐB Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, dự thảo luật được chuẩn bị, chỉnh sửa kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các ĐBQH, cơ bản đã bao quát hết các nội dung quản lý nhà nước về phòng chống ma túy.
Trong quá trình xây dựng, dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các ĐBQH, hầu hết ý kiến ĐB góp ý tại kỳ họp thứ 10 cũng đã được nghiên cứu tối đa và có giải trình thấu đáo. Qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự thảo luật, cơ bản đã bao quát hết các nội dung quản lý nhà nước về phòng chống ma túy; nhiều quy định được bổ sung đã đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành.
Luật (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống ma túy. Luật được xây dựng đã đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Luật (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý được kỳ vọng sẽ nâng cao và tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể, luật đã bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải được kiểm soát.
Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng chống ma túy; bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy;
Luật (sửa đổi) cũng quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy và xác định tình trạng nghiện ma túy. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện, xác định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện;…
Theo ĐB Lê Công Nhường, luật mới sẽ nâng cao nguồn lực cho công tác phòng chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy, quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Đồng thời mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. (Theo quochoi.vn)
Các trường hợp phải đi cai nghiện bắt buộc Theo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là những người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1. Người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện. 2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy. 3. Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện. 4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện. |