Anh Travis Jang Busby là một luật sư có gia đình với 2 con cùng một căn nhà 3 phòng ngủ tại San Diego-Mỹ. Bản thân anh Busby là một trường hợp điển hình của tầng lớp trung lưu Mỹ khi tốt nghiệp trường học với khoản nợ học phí từ chính phủ, cố gắng đi làm trả nợ, vay tiền mua nhà cưới.
Thông thường nhắc đến Phương tây người ta thường nói đến lối sống tự do, thuê nhà nhiều hơn mua nhưng đấy là giới trẻ. Những người sắp bước sang tuổi 40 như anh Busby chẳng thể sống buông thả được nữa và việc sở hữu một căn nhà được coi như "sự ổn định".
Vậy những người trung lưu đã bước qua tuổi trung niên như anh Busby có thực sự thấy ổn định?
Bẫy mua nhà
Các số liệu cho thấy người Mỹ khá nghiêm túc trong việc ổn định cuộc sống khi đã bước vào tuổi trung niên. Khảo sát của hãng tin CNBC cho biết khoảng 59% số người sinh từ năm 1981 đến 1988 tại Mỹ sở hữu một ngôi nhà. Hơn một nửa trong số này đã mua nhà 5 năm, khoảng 40% sở hữu nhà dưới 5 năm và chỉ 5% là mới tậu một ngôi nhà trong năm vừa qua.
Phần lớn người mua nhà đều ngập trong nợ hoặc phải xin tiền từ gia đình
Thế nhưng việc sở hữu một ngôi nhà lại chẳng mấy vui vẻ gì, cho dù là với tầng lớp trung lưu như anh Busby. Cả 2 vợ chồng anh đều là luật sư nhưng khoản nợ tiền nhà, tiền học phí cùng vô số các khoản chi tiêu khác khiến họ chẳng thể dành dụm được đồng nào cho tới 3 năm trước đây.
Anh Busby không phải trường hợp duy nhất tại Mỹ khốn khổ chỉ vì mua nhà thay vì đi thuê. Rất nhiều gia đình Mỹ hiện đang phải giật gấu vá vai để cố sở hữu một ngôi nhà rồi cật lực làm tối ngày để trả nợ.
Khảo sát của CNBC cho thấy khoảng 10% số gia đình trung niên vay nợ từ các quỹ lương hưu để mua nhà, khoảng 20% dùng thẻ tín dụng và 20% khác thì xin tiền từ bố mẹ hoặc gia đình.
Cái bẫy sở hữu nhà với đống nợ khổng lồ để mang về cái anh "ổn định" khiến nhiều người dù đã qua tuổi trung niên tại Mỹ phải ngần ngại. Khoảng 28% số người ở độ tuổi trung niên tại đây vẫn đi thuê nhà thay vì mua, khoảng 12% khác thì ở với bố mẹ hoặc cùng người thân.
Vậy nhưng càng nhiều tuổi, người ta lại càng muốn có một ngôi nhà dù nó có đem lại nợ nần hay khó khăn đến đâu. Tỷ lệ người sở hữu nhà trong độ tuổi 33-39 tại Mỹ lên tới 53,8%, trong khi con số này là 60% với những người sinh trước năm 1980 và 62% với những người sinh trước năm 1965.
Đối với những người không muốn mua một căn nhà dù đã có sự nghiệp ổn định ở độ tuổi trung niên, lý do chính là do bẫy nợ nần mà nó gây ra khiến họ phải cuốn vào guồng làm việc-trả nợ mà chẳng thể hưởng thụ hay tiết kiệm.
"Với những khoản nợ lớn, sẽ rất khó cho những trung niên với sự nghiệp ổn định có thể tiết kiệm để nghỉ hưu khi về già", Chuyên gia nghiên cứu Jung Huyn Choi của Viện Urban nhận định.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến tầng lớp trung niên Mỹ ngại mua nhà là do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng 2008. Nghiên cứu của tổ chức Young Invincibles cho thấy cuộc khủng hoảng này đã khiến tỷ lệ thất nghiệp với lao động 18-34 tuổi ở mức 2 con số trong vòng 6 năm.
Mua hay thuê?
Đại dịch Covid-19 đã khiến ngày càng nhiều người Mỹ mua nhà hơn. Những khoản trợ cấp kinh tế khổng lồ, giãn thuế khiến người dân có lượng tiền dư để mua nhà. Thêm vào đó, ở nhà của mình sở hữu mùa dịch đỡ tốn kém hơn ở nhà thuê.
Điều đáng ngạc nhiên là việc mua nhà mùa dịch lại chẳng mấy hấp dẫn với giới trung niên. Chỉ khoảng 5% số người trong độ tuổi này mới sở hữu 1 căn nhà trong năm vừa qua. Phần lớn những người mua nhà thời đại dịch thuộc về tầng lớp cao tuổi, người già.
Theo chuyên gia Choi, đây là một tín hiệu cảnh báo về sự thay đổi trong thị trường bất động sản cũng như lối sống Mỹ bởi việc bố mẹ không mua nhà có thể ảnh hưởng đến quyết định của con cái sau này.
Các nghiên cứu về thị trường bất động sản Mỹ cho thấy việc phụ huynh sở hữu một căn nhà sẽ kích thích lũ trẻ cũng làm điều tương tự khi trưởng thành hơn. Tương tự, khi cha mẹ thích thuê nhà thì con cái cũng sẽ có xu hướng thuê nhiều hơn mua sau này.
"Xu hướng thuê nhà này không chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp trung niên mà còn các thế hệ trẻ sau này tại Mỹ", Chuyên gia Choi nhấn mạnh.
Thêm nữa, xu hướng kết hôn muộn, có con muộn hay thậm chí là sống độc thân hưởng thụ cũng khiến tầng lớp trẻ ngày nay coi nhẹ việc sở hữu một căn nhà.
"Nếu mua nhà chậm hơn một chút thì cũng chẳng sao cả, nhất là khi con người ngày nay sống lâu hơn, phải làm việc nhiều hơn. Không phải cứ đi thuê nhà là tồi tệ", Chuyên gia kinh tế Bill Emmons của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh St.Louis nhận định.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị