Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp qua video với Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Volkan Bozkir ở Washington D.C, Mỹ ngày 29-3 - Ảnh: REUTERS
Cáo buộc trên được ông Blinken đưa ra trong cuộc phỏng vấn với báo La Stampa của Ý đăng ngày 30-3, theo Hãng tin Sputnik. Tuần trước, ông Blinken đã tới châu Âu để gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh - tương tự nhiều đồng minh của chúng tôi - mang tính cạnh tranh trong một số trường hợp, hợp tác trong một số trường hợp và đối lập trong những trường hợp khác.
Tuy nhiên, có một mẫu số chung chính là cần giành lợi thế khi đối đầu với Trung Quốc, bắt đầu bằng những liên minh và hợp tác vững chắc" - Ngoại trưởng Blinken cho biết.
Ông Blinken cam kết Mỹ sẽ không buộc các đồng minh phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh, rằng mục tiêu của Mỹ "không phải kiềm chế Trung Quốc", mà là "duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà chúng ta đã đầu tư rất nhiều trong 75 năm qua".
"Khi ai đó thách thức hệ thống này, dù là Trung Quốc hay nước khác, và khi họ không chơi theo luật hoặc không tôn trọng luật, hoặc cố gắng phá hoại những cam kết đã được các bên khác đưa ra, tất cả chúng ta đều có lý do để phản đối" - ông Blinken nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh "phá hoại trật tự này, vi phạm nhân quyền và các cam kết khác".
Trong chuyến thăm châu Âu tuần trước, Ngoại trưởng Blinken nói rằng Mỹ muốn hợp tác với các đồng minh về "cách thức thúc đẩy những lợi ích kinh tế chung, chống lại một số hành động hung hăng và ép buộc của Trung Quốc".
Quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang ở mức thấp chưa từng có trong khoảng 3 thập niên qua. Hôm 22-3, EU áp trừng phạt lên Trung Quốc lần đầu tiên kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989, liên quan cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
TTO - Mỹ lên án mạnh mẽ động thái của Trung Quốc thông qua cải cách luật bầu cử ở đặc khu Hong Kong, theo đó sẽ cắt giảm số đại biểu được bầu trực tiếp từ 35 xuống còn 20 người, theo Bộ Ngoại giao Mỹ sáng 31-3 (giờ VN).