Câu chuyện về chiếc logo 7 tỷ đồng của hãng Xiami được giới truyền thông tranh cãi. Người thì cho rằng đây chỉ là chiêu trò quảng cáo, số khác thì nhận định nó bao gồm những công thức toán học để cho ra được sản phẩm như vậy.
Trên thực tế từ lâu những hãng sản phẩm như Apple đã áp dụng các định luật về thiết kế góc bo tròn, hệ thống lưới hay kiểu chữ nhằm tạo ấn tượng và định dạng thương hiệu với khách hàng. Trong marketing và thiết kế thương hiệu, những mẹo này được gọi là hiệu ứng thị giác trong giao diện người dùng.
Vậy tại sao chúng ta phải tốn 7 tỷ đồng chỉ để bẻ cong góc hình vuông? Hãy cùng tìm hiểu một số kiến thức căn bản về bo góc trong thiết kế logo nhé.
Đánh lừa đôi mắt
Con người thường bị đánh lừa cảm giác khi nhìn vào một thứ gì đó. Bởi vậy các nhà thiết kế luôn nắm rõ nhược điểm này để xây dựng những những logo gần gũi, ám ảnh vào tâm trí khách hàng.
Vào năm 1920, định luật Gestalt tập hợp các nguyên tắc tâm lý học lý giải cách não bộ con người tiếp nhận một hình ảnh đã được phát triển. Định luật này giải thích cách mắt con người xử lý các hình ảnh khác nhau cũng như phương thức não bộ chúng ta diễn giải chúng.
Một trong những khía cạnh của lý thuyết Gestalt là hiệu ứng thị giác trong bo tròn góc.
Nếu bạn cho rằng chỉ có 1 hình tròn trong thiết kế thì nhầm to rồi nhé. Đôi mắt của con người rất đặc biệt và đôi khi chúng đánh lừa nhận thức của não bộ. Bạn không tin ư? Hãy cùng nhìn hình tròn dưới đây và đánh giá hình nào tròn hơn?
Về mặt thị giác, hình bên phải nhìn còn "tròn" hơn hình bên trái trong khi thực tế, hình bên trái mới là hình tròn hình học.
Bạn chưa tin ư? Hãy lấy một ví dụ khác nhé, tấm hình dưới đây thì hình nào vuông hơn?
Nhiều người sẽ chọn bên trái trong khi chính xác thì bên phải mới là hình vuông hình học. Mắt con người nhạy cảm với chiều cao của vật thể hơn là chiều rộng và đó là lý do trong các phông chữ, chữ "O" luôn rộng hơn vòng tròn hình học.
Tiếp tục nhé, theo bạn kích thước hình vuông hay hình tròn dưới đây lớn hơn?
Nhiều người cho rằng hình vuông lớn hơn, nhưng thực tế thì chúng có kích thước bằng nhau cả.
Rõ ràng, mắt người rất nhạy cảm nhưng cũng đầy khiếm khuyết, và việc thiết kế logo cũng cần những kiến thức đặc biệt để tạo nên một sản phẩm thực sự ấn tượng cho người dùng.
Lý thuyết của cú cắt góc 7 tỷ
Tận dụng đặc điểm đánh lừa thị giác trên, các nhà thiết kế đã áp dụng chúng trong việc bo góc. Tất nhiên công việc này không đơn giản bởi nếu bạn sử dụng những phần mềm chỉnh sửa đồ họa thông thường, chúng sẽ chẳng đem lại kết quả tốt về mặt thị giác.
Măt hay tai người đều rất tinh tế. Có thể bạn không biết chơi đàn nhưng chắc chắn nhận ra ai hát hay hát dở. Có thể bạn không biết vẽ nhưng chắc chăn nhận ra sự bất tự nhiên của một đường cong.
Hãy sử dụng góc của một chiếc điện thoại làm ví dụ, nếu áp một hình tròn vào góc và bo nó lại, mắt người ngay lập tức nhận ra có sự bất hợp lý về tỷ lệ. Bởi vậy các nhà thiết kế cần một công thức để khiến chúng thuận mắt hơn, và đây là vấn đề khiến việc thiết kế logo trở nên đắt đỏ.
Thông thường, khi bo tròn các biểu tượng ứng dụng như trong chiếc iPhone hoặc thiết kế logo, các nhà thiết kế thường sử dụng "Super Eclipse", hay còn được gọi là đường cong Lame. Công thức này được phát triển bởi nhà toán học người Pháp Gabriel Lame và tùy thuộc vào từng công thức để bo tròn các cạnh của từng thiết kế.
Nếu chú ý, các biểu tượng ứng dụng từ iOS7 trở đi đều dùng công thức đường cong Lame của chuyên gia Marc Edwards.
Lợi ích của việc sử dụng Super Eclipse là tạo nên độ mượt mà cho sản phẩm, không gợn mắt người xem cũng như tạo độ nhận diện thương hiệu.
Thế nhưng điều khiến các doanh nghiệp phải chi nhiều tiền là công thức. Bo tròn thông thường sẽ thiếu tự nhiên vì người dùng có thể dễ dàng nhìn thấy tiếp điểm khi một đường thẳng biến thành đường cong. Bởi vậy việc bo tròn góc chính xác cần có công thức đặc biệt điều chỉnh hình dạng theo cách thủ công.
Thậm chí nếu muốn chỉnh sửa dù chỉ một chút, ví dụ tinh chỉnh hiệu ứng bo tròn thành một đường viền cũng cần công thức chính xác để áp dụng chứ không thể bẻ cong thoải mái.
Do đó nếu bạn phải chi một khoản tiền lớn để chỉnh sửa logo thì cũng không có gì quá khó hiểu. Tất nhiên chi đến 7 tỷ để đổi logo như Xiaomi thì có lẽ cũng bao gồm cả mục đích marketing trong đó.
*Bài viết có sử dụng tư liệu của tác giả Slava Shestopalov trên Medium và ảnh của Balraj Chana, Thảo Lee đăng trên iDesign .
Huyền Băng-Tổng hợp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị