Công nghệ mRNA đã được nghiên cứu hơn 40 năm qua - Ảnh: The Atlantic
Theo The Atlantic, sau một thời gian được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và các nước, hai loại vắc xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech và Moderna đã chứng tỏ hiệu quả bất ngờ dù đây là lần đầu tiên trong lịch sử vắc xin công nghệ mRNA được sử dụng trên người.
Cũng giống mọi thành tựu khoa học khác, công nghệ mRNA không xuất hiện chỉ sau một đêm. Chính xác là hơn 40 năm đã trôi qua kể từ đầu thập nhiên 1970 - khi nhà khoa học người Hungary Katalin Karikó đi tiên phong nghiên cứu mRNA, cho đến khi liều vắc xin mRNA đầu tiên được dùng ở Mỹ vào ngày 14-12-2020.
Từ ý tưởng đến thành quả, con đường chông gai ấy đã suýt phá hủy sự nghiệp của nhiều nhà khoa học và đẩy các công ty dược đến bờ vực phá sản.
Nhưng "giấc mơ mRNA" vẫn tiếp tục sống bởi nguyên tắc cốt lõi của nó quá đơn giản và đẹp đẽ: "Nhà máy chế tạo thuốc hùng mạnh nhất thế giới nằm trong cơ thể mỗi chúng ta".
Giải thích đơn giản thì con người dựa vào protein cho hầu hết các chức năng trong cơ thể; mRNA - viết tắt của messenger RNA (axit ribonucleic) - đã được chỉnh sửa sẽ hướng dẫn các tế bào tạo ra chính xác loại protein nào chúng ta muốn.
Trên lý thuyết, cơ chế đó có thể tạo ra bất kỳ phân tử tự nhiên nào trong cơ thể, ví dụ để chữa lành cơ quan nội tạng hoặc cải thiện tuần hoàn máu. Hoặc người ta có thể "ra lệnh" cho tế bào sản sinh một loại protein mới để hệ miễn dịch nhận diện và phá hủy.
Trong trường hợp COVID-19, vắc xin mRNA gửi thông tin cụ thể đến tế bào để tạo ra "gai protein" tương tự của virus SARS-CoV-2.
Hệ miễn dịch nhận diện kẻ xâm nhập sẽ tấn công các protein này và ghi nhớ, nếu sau này bắt gặp virus thật, cơ thể sẽ tấn công lập tức với độ chính xác cao nhờ đã được huấn luyện, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hoặc bệnh nặng.
Bà Özlem Türeci, nhà khoa học đứng sau thành công của BioNTech với công nghệ mRNA - Ảnh: DW
Nhưng câu chuyện mRNA chưa dừng lại với COVID-19, tiềm năng của nó còn rất lớn. Trong năm nay, một nhóm nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) đã đăng ký bảo hộ công nghệ vắc xin RNA ngừa bệnh sốt rét - căn bệnh hủy diệt giết chết hơn 400.000 người mỗi năm, chủ yếu trẻ em.
"Chúng tôi đã nghiên cứu vắc xin này trong nhiều năm, nhưng mọi thứ thay đổi trong 6 tháng gần đây nhờ thành công của vắc xin COVID-19" - ông Richard Bucala, nhà khoa học của Yale, chia sẻ.
Hãng dược Pfizer thì có kế hoạch dùng mRNA để chống lại bệnh cúm mùa - căn bệnh thay đổi liên tục và cũng có hàng trăm ngàn nạn nhân mỗi năm.
Hãng BioNTech của Đức lại đi theo một hướng khác: Phát triển liệu pháp mRNA diệt tế bào ung thư.
Ý tưởng là bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào ung thư từ bệnh nhân để phân tích gen, sau đó tạo ra một loại vắc xin mRNA hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein liên quan đến khối u, hệ miễn dịch nhận diện được sẽ hủy diệt mọi tế bào ung thư tương tự khắp cơ thể.
"Tôi tin tưởng hơn bao giờ hết mRNA sẽ mang tính cách mạng. Trên nguyên tắc, tất cả mọi thứ liên quan đến protein đều có thể thay bằng mRNA" - bà Özlem Türeci, nhà khoa học chính của BioNTech, cho biết.
Hành trình hơn 40 năm của công nghệ mRNA là một lời nhắc nhở rằng đột phá khoa học có thể xảy ra bất ngờ sau một giai đoạn dài bế tắc. Nếu được hiện thực hóa, chữa bệnh bằng mRNA sẽ trở thành ngành công nghiệp tỉ đô trong tương lai.
"Đây quả là một bữa tiệc chào đón dành cho mRNA. Trong thế giới khoa học, công nghệ này là tin tức lớn nhất của năm. Chúng tôi từng không biết nó có tác dụng không, giờ thì chúng tôi đã biết" - ông John Mascola, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vắc xin thuộc Viện quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, bình luận.
TTO - Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí của Đại học Oxford phát hiện một loại tế bào được gọi là ‘tế bào sát thủ' có khả năng chống lại các biến thể ở Anh, Nam Phi, Brazil.