Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đứng đầu các trường THPT trong cả nước về số lượng giải đoạt được tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022 - Ảnh chụp màn hình
Không ít người cho rằng kỳ thi học sinh giỏi góp phần thúc đẩy phong trào dạy tốt học tốt, lấy kết quả kỳ thi học sinh giỏi như là một trong những thước đo đánh giá chất lượng giáo dục địa phương hay của một trường nào đó.
Rồi người ta có thể biện luận cho các kỳ thi học sinh giỏi giúp tạo ra động lực cạnh tranh giữa các cá nhân học sinh (và ngay cả giáo viên) để trẻ có thể đủ tự tin để sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ít ai thẳng thắn nhìn nhận và phân tích mặt trái của kỳ thi này.
Người hả hê, kẻ khóc thầm
Đã thi thì phải có kẻ thắng người thua. Chiến thắng ở một kỳ thi sẽ giúp cho trẻ được hả hê nhất thời, người thua cuộc thì khóc thầm và rất có thể xuất hiện sự ghen tị, đố kỵ.
Điều này rất không phù hợp với mục tiêu giáo dục trẻ tinh thần đồng đội, hợp tác, vốn là kỹ năng rất quan trọng cho cuộc sống của trẻ sau này. Nhà trường sẽ làm gì, cha mẹ học sinh sẽ làm gì nếu các em thắng cuộc và thua cuộc? Câu trả lời dường như chưa có sẵn.
Trong điều kiện nào đó, thi học sinh giỏi có ý nghĩa tích cực, nhưng nhiều trường hợp rất dễ tạo ra những giá trị sai trái như đố kỵ, ghen tức, thiếu hợp tác, ích kỷ và thậm chí không tránh khỏi chuyện gian lận, mua bán, đi đêm bằng mọi giá để đoạt giải vì thành tích của nhà trường hay địa phương.
Học sinh có thể lo lắng về việc làm cha mẹ, thầy cô và hiệu trưởng của mình thất vọng vì thành tích bản thân thấp, do vậy càng phải tập trung quá mức để giành chiến thắng. Khi không đạt kết quả mong muốn, học sinh sẽ thất vọng tột độ, thậm chí mất niềm tin vào bản thân, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý.
Đối với giáo viên, cuộc cạnh tranh cũng không kém phần khốc liệt. Học sinh đi thi nhưng thầy cô hồi hộp vì kết quả của trò sẽ giúp thầy cô đạt tới các mục tiêu như được khen ngợi, nhiều học sinh tìm đến để luyện thi, học thêm, đồng nghiệp nể phục...
Trong khi đó, những kinh nghiệm đào tạo học sinh giỏi thì lại rất ít hoặc hầu như không hữu ích trong việc dạy học sinh đại trà, do mỗi học sinh là một cá thể khác nhau, nên không thể áp cách luyện thi học sinh giỏi vào để dạy cho đa số học sinh bình thường khác.
Phải thay đổi
Một hệ thống giáo dục bị chi phối bởi thứ hạng và điểm số, vì bệnh hám thành tích không thể không làm cho khiếm khuyết của hệ thống bị lộ rõ.
Điều đáng nói, vì sao những tác động tiêu cực của việc thi học sinh giỏi đến học sinh ít được các nhà quản lý trường học và địa phương quan tâm?
Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các trường, các địa phương dẫn đến các cuộc chạy đua không ngừng nghỉ rồi nhiều khi quên mất mục tiêu giáo dục toàn diện và thực hiện sự bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục.
Ngoài ra không loại trừ sự vụ lợi của những người quản lý khi đứng ra tổ chức việc luyện thi, tổ chức thi (chuẩn bị mua sắm vật tư, vận động tài trợ, ra đề, coi thi, chấm thi, công bố giải...).
Một chính sách tốt cần luôn hướng đến người học, giúp cho học sinh phát triển năng lực cá nhân đầy đủ, đa dạng về nhận thức, có năng lực phản biện, học tập suốt đời để đóng góp cho xã hội khi trưởng thành.
Một chính sách giáo dục không phục vụ vì lợi ích của số đông học sinh thì chính sách đó rất cần xem xét lại để điều chỉnh.
Thi học sinh giỏi chắc chắn không nên vì lợi ích của người lớn, kể cả lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế.
Câu chuyện thi học sinh giỏi không phải là "không quản được thì cấm" mà nên có nghiên cứu đánh giá, hoàn thiện chính sách, luật pháp để thi cái gì, khi nào, thi thế nào, ở đâu; để tổ chức kỳ thi lành mạnh, đúng pháp luật vì mục tiêu phát triển học sinh và lợi ích đất nước.
Có phù hợp với Luật giáo dục?
Việc Bộ Giáo dục và đào tạo đứng ra tổ chức các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật giáo dục. Tương tự, UBND các địa phương cũng cần có giải pháp để cuộc thi học sinh giỏi ở địa phương diễn ra đúng pháp luật.
Mời tham gia Diễn đàn "Thi học sinh giỏi để làm gì?"
Có nên duy trì kỳ thi học sinh giỏi? Nếu có thì nên điều chỉnh, thay đổi như thế nào cho phù hợp? Nếu không thì có cách thức nào phát hiện, tìm kiếm được nhân tài?
Mời quý bạn đọc, thầy cô, phụ huynh và học sinh chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về câu chuyện này. Bài viết xin email về giaoduc@tuoitre.com.vn. Những bài được sử dụng trên nhật báo Tuổi Trẻ hoặc báo Tuổi Trẻ điện tử (tuoitre.vn) sẽ được chấm nhuận bút theo quy định của tòa soạn.
Đến nay, tòa soạn đã nhận được ý kiến, bài viết tham gia diễn đàn của các tác giả Lê Phương Trí, Minh Anh, Trịnh Kỳ An, Minh Đăng, Phương Ninh, Thanh Nguyễn, Lê Tấn Thời, Nguyễn Trung Nguyên... Chúng tôi sẽ xem xét, sử dụng trong thời gian tới.
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, Nguyễn Võ Hữu Thức cho rằng đó là những kỷ niệm đẹp. Nhưng cùng với đó là những nỗi băn khoăn mà lời giải khó như trong một bài thi học sinh giỏi toán cấp quốc gia.