Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 31-3 - Ảnh: REUTERS
Ông Biden cho biết lệnh xuất Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) nhằm giúp "xoa dịu nỗi đau mà các gia đình Mỹ đang cảm thấy" vì giá nhiên liệu tăng vọt, Hãng AFP đưa tin.
"Lệnh sẽ cung cấp lượng nhiên liệu lịch sử trong khoảng thời gian lịch sử", tổng thống Mỹ nói thêm.
Ông Biden nói việc sử dụng các nguồn dự trữ là "cầu nối thời chiến" để đưa đất nước vượt qua những khó khăn cho đến khi các công ty dầu khí tăng cường sản xuất.
Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức "chưa từng có tiền lệ" bởi thế giới chưa từng xuất lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian lâu như vậy.
Ngoài ra, ông Biden cũng có những bình luận cứng rắn nhắm vào các công ty dầu khí. "Đây không phải là lúc vì lợi nhuận. Hãy hỗ trợ khách hàng của bạn chứ không phải các nhà đầu tư và giám đốc điều hành", Tổng thống Biden nói thêm.
Động thái nói trên của ông Biden diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao.
Nhiều khách hàng đang từ chối nhập khẩu dầu mỏ của Nga, khiến nguồn cung tổng thể trên thế giới ít hơn và nhu cầu tìm kiếm nguồn dầu mỏ từ các nơi khác tăng lên. Điều này đã khiến chính quyền Tổng thống Biden chịu thêm áp lực, khi trước đó đã phải vật lộn với thực trạng giá cả tiêu dùng tăng cao cũng như sự chỉ trích từ Đảng Cộng hòa.
Động thái mới nhất của chính quyền Mỹ diễn ra sau các đợt giải phóng dự trữ dầu trước đó của SPR, bao gồm 30 triệu thùng hồi đầu tháng 3.
Chính quyền Mỹ đang gây sức ép với các công ty dầu mỏ trong nước để tăng cường hoạt động khai thác trên các vùng đất của liên bang, những nơi đã phê duyệt các giấy phép khoan thăm dò nhưng chưa triển khai.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật buộc các công ty phải trả phí cho các giếng dầu từ hợp đồng thuê đã không sử dụng trong nhiều năm và trên những khu đất công không có hoạt động sản xuất.
Giá dầu đã giảm mạnh ngày 31-3 sau thông báo của ông.
Cụ thể, trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm 7,54 USD, tương đương 7%, xuống 100,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 5 cũng giảm 5,54 USD, tương đương 4,9%, xuống 107,91 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE London.
Cùng ngày, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô trong tháng 5, bất chấp giá dầu thô gia tăng.
Thông báo sau cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 27 của các nước thành viên OPEC và Phi OPEC cho biết OPEC+ sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, cao hơn một chút so với mức 400.000 thùng/ngày mà khối này thông báo những tháng trước.
TTO - Giá dầu thế giới giảm 5-6%, chứng khoán châu Âu tăng điểm sau khi có tiến bộ rõ ràng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine ngày 29-3.
Xem thêm: mth.34502328010402202-us-hcil-tahn-iad-urt-ud-uad-ax-hnel-ar-nedib-gnoht-gnot/nv.ertiout