Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, với lượng người trong khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, chiếm khoảng 69% tổng dân số.
Năm 2019, Tổng cục Thống kê cho biết: Việt Nam có 19,5 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu – chiếm 20,2% dân số, tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á từ khoảng 2016-2021. Còn theo World Data Lab, vào năm 2030, sẽ có thêm 23,2 triệu người Việt tham gia vào tầng lớp trung lưu (hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11USD đến 110 USD/ngày).
Việt Nam chính là một mảnh đất vô cùng màu mỡ với ngành tiêu dùng cùng F&B ở hiện tại và tương lai. Còn theo nhận định của BMI: Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu và xếp thứ 10 tại châu Á vào năm 2019.
Trong tất cả, ông John Pemberton – Founder Heart of Darkness Brewery và ông Jinwoo Song - Tổng Giám đốc Baemin Việt Nam, chính là những người cảm nhận điều đó rõ ràng nhất. Bởi, cả hai vẫn sốt tốt trong Covid-19, đồng thời đã có những thành tựu nổi bật ở lĩnh vực mà mình hoạt động.
Với Heart of Darkness Brewery, thương hiệu ra đời vào 2016 này không chỉ là người tiên phong ở thị trường bia tươi TP.HCM, mà hiện còn xuất khẩu đến HongKong, Campuchia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore. Phần mình, dù chỉ mới gia nhập thị trường năm 2019, Baemin vẫn có thể đường hoàng trở thành đối trọng của GrabFood tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cả hai cũng đều thêm rằng: thị trường Việt Nam tiềm năng những rất khó tính.
Nguyên nhân quan trọng có thể bởi nền ẩm thực Việt Nam quá phong phú và đa dạng, tất cả người dân đều được ăn ngon mà rẻ từ bé, nên tất cả đều khá là khó tính nếu so với các nước trong khu vực. Không phải tự dưng mà rất nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thế giới đều ca ngợi nền ẩm thực đường phố Việt Nam. Ngoài ra, dù người Việt rất cởi mở với những món ăn mới mẻ, song không vì thế mà họ hạ tiêu chuẩn của mình xuống.
THƯƠNG HIỆU F&B PHẢI CÓ TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG TỐT CÙNG MỨC GIÁ VỪA TÚI TIỀN TỆP KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU
Ông John Pemberton – Founder Heart of Darkness Brewery
"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi gặp thường hỏi tôi, thị trường bia ở Việt Nam đang như thế nào? Đầu tiên, khi vào thị trường Việt Nam, chúng ta phải xác định được khách hàng mục tiêu của ta là ai, sau đó set-up mức giá làm sao để họ có thể chấp nhận được.
Thật ra thì thị trường F&B Việt Nam có tiêu chuẩn rất cao, cả về sản phẩm lẫn dịch vụ. Nếu chúng ta không thể khiến họ cảm thấy sự khác biệt giữa việc uống 1 cốc bia tươi giá 100.000 đồng và bia đóng chai vài chục ngàn ngoài đường, cầm chắc chúng ta sẽ thất bại. Hơn nữa, người Việt Nam rất thích tụ tập cùng gia đình và bạn bè, nếu bạn không thể khiến trải nghiệm này của họ tốt hơn ở gia đình, bạn cũng sẽ không thành công.
Người Việt Nam cũng rất thích khám phá những điều mới mẻ, thế nên chúng ta buộc phải làm mới thực đơn của mình liên tục.
Tóm lại, muốn tồn tại và phát triển tốt ở Việt Nam, các thương hiệu F&B phải có trải nghiệm khách hàng tốt cùng mức giá vừa túi tiền tệp khách hàng chính", ông John Pemberton chia sẻ trong một tọa đàm ở Hội chợ nhượng quyền thương hiệu F&B có tên MakanSingapore.
Cửa hàng của Heart of Darkness Brewery tại TP.HCM.
Xưởng bia của Heart of Darkness Brewery tại Bình Dương.
Một trong những cách để cải thiện dịch vụ chính là đầu tư công nghệ - cụ thể hơn là đầu tư vào hệ thống marketing – bán hàng online. Bây giờ, theo quan sát của Founder người Mỹ này, thì không ít khách hàng việt Nam đến cửa hàng thử trải nghiệm bia, sau đó lại mua online. Sự bùng nổ của giao hàng trực tuyến bởi Covid-19, đang khiến dư địa và không gian phát triển của ngành bia nói riêng và F&B Việt nói chung, ngày càng lớn.
Trong 2 năm vừa qua, nhờ có thể bán hàng online, Heart of Darkness Brewery đã chống chọi tốt khi chỉ giảm từ 30% đến 35% doanh số. Ngoài ra, trong năm nay, thương hiệu này sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng ra Hà Nội đang dang dở bởi Covid-19. Hiện Heart of Darkness Brewery có 1 nhà hàng tại Sài Gòn, 1 ở Singapore. Mục tiêu lớn trong tương lai là sẽ có 1 nhà hàng ở mỗi thành phố lớn tại Việt Nam, đồng thời trở thành thương hiệu bia tươi hàng đầu châu Á.
KHÁCH HÀNG VIỆT YÊU CẦU CAO VÀ CHI TIẾT
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Baemin Việt Nam, cho hay: Trong thời đại kỹ thuật số đang phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ như hiện nay thì công nghệ là yếu tố tiên quyết giúp đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn và bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B khi phải đối mặt với những tác động to lớn và khó khăn mà đại dịch Covid-19 mang lại.
Ứng dụng công nghệ được doanh nghiệp tìm đến như một giải pháp hiệu quả cho bài toán tăng trưởng doanh thu và giúp thu hút các khách hàng mới.
Jinwoo Song - Tổng Giám đốc Baemin Việt Nam
"Trở về những năm trước khi các ứng dụng công nghệ chưa được phổ biến rộng rãi, các doanh nghiệp F&B luôn trăn trở tìm lời giải cho các vấn đề nhức nhối về mặt bằng, nhân sự, quảng cáo. Thì ngày nay, với sự ra đời của các nền tảng, ứng dụng công nghệ như Baemin, các doanh nghiệp đã có thể dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng, tiết kiệm chi phí và khám phá những cơ hội phát triển khác.
Thay vì phải tốn rất nhiều chi phí để thuê mặt bằng có vị trí đắc địa như tầng trệt, khu trung tâm để thu hút khách hàng, ứng dụng công nghệ đã giúp các doanh nghiệp F&B khai phá các cách tiếp cận hiện đại thông qua các tính năng mới để tối ưu hóa vận hành.
Đồng thời, những ứng dụng như Baemin sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện tốc độ và chất lượng dịch vụ giao hàng thông qua nguồn lực trung gian là những đối tác tài xế được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản với sự thông thạo đường sá, địa hình xung quanh", ông Jinwoo Song bày tỏ.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ nét. Theo khảo sát mới nhất từ Q&Me thực hiện cuối năm 2021, 75% ứng viên tham gia cho biết: họ đều sử dụng dịch vụ giao thức ăn trực tuyến và 24% trong số đó lần đầu tiên sử dụng vì những ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 mang lại.
Ngoài ra, ông Jinwoo Song cũng nhấn mạnh rằng: khách hàng Việt yêu cầu cao và chi tiết.
Về độ mở của các khách hàng Việt, theo quan sát của Baemin, họ không có thói quen đặt một loại đồ ăn cố định ở tất cả những lần đặt, mà muốn khám phá các món ăn khác nhau qua những lần đặt khác nhau. Hoặc như thời gian gần đây, ngoài các loại cà phê truyền thống, khách hàng của Baemin còn có nhu cầu thử các loại biến tấu như cà phê dừa, cà phê bơ, cà phê hạnh nhân…
Chính vì vậy, Baemin đã đưa ra thêm tính năng mới trên ứng dụng có tên gọi Baemin Picks – bao gồm các món ăn đặc sắc và mới lạ của các đối tác, nhằm thỏa mãn sở thích thích khám phá và nhu cầu trải nghiệm các hương vị mới từ các nền ẩm thực khác nhau của khách hàng Việt.
Ngược lại, cũng có một nhóm khách bận rộn như nhân viên văn phòng chỉ muốn một bữa ăn gọn nhẹ song phải đầy đủ chất – đẹp mắt. Vậy nên Baemin đã nghiên cứu và chuẩn bị giới thiệu những lựa chọn suất ăn tiện lợi – với tên gọi Bento925. Bento925 có thực đơn được xây dựng bởi chính đội ngũ đầu bếp Baemin thông qua Baemin Kitchen, nhằm giúp nhóm đối tượng này sống tiện lợi và thoải mái hơn.
"Chúng tôi không bao giờ hài lòng với những gì đang có, mà luôn cố gắng cải tiến mình từng ngày. Baemin đã – đang – sẽ luôn tìm cách tối ưu hóa tối đa vận hành, như tính thời gian cao điểm và thấp điểm để có thể điều phối shipper kịp thời. Quan tâm tới nguồn nhân lực toàn diện, không chỉ mỗi nhân viên ở khối văn phòng mà cả các bác tài, bởi họ chính là lực lượng tuyến đầu, kết nối trực tiếp Baemin và đối tác cùng người dùng.
Trong công tác marketing, Baemin cũng linh hoạt xây dựng chính sách theo các nhóm khách hàng riêng biệt mà mình có. Chúng tôi cũng thường xuyên thúc đẩy các đối tác cải tiến chất lượng sản phẩm cũng như làm bao bì hấp dẫn hơn. Tất cả những thay đổi của Baemin đều từ việc chú tâm tìm hiểu suy nghĩ của khách hàng", doanh nhân đến từ Hàn Quốc tiết lộ.
Nhờ thế, kể từ khi vào thị trường Việt Nam năm 2019, Baemin liên tục tăng trưởng mọi mặt – kể cả trong 2 năm khốc liệt vì Covid-19 vừa qua. Baemin không chỉ tăng số lượng người dùng, đối tác, shipper mà cả đầu bếp và nhà bếp. Từ việc chỉ hoạt động tại 3 thành phố lớn đầu năm 2021, hiện Baemin đã có mặt ở 21 tỉnh thành khắp Việt Nam.
http://tintuc.vdong.vn/04/1295905.htmQuỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị