Quy định lắp camera đang là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp vận tải - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đó là một trong những tốn kém điển hình doanh nghiệp đang phải gánh chịu được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, công bố mới đây.
Theo VCCI, Nghị định số 10 yêu cầu phải lắp camera trên ôtô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo từ ngày 1-7-2021.
Kết quả khảo sát VCCI thực hiện với hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, kinh doanh vận tải hàng hóa là đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định lắp camera ở ba miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, yêu cầu lắp camera tạo ra gánh nặng rất lớn về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt tác động lớn đến doanh nghiệp mới có hoạt động khởi sự kinh doanh, có thời hạn hoạt động dưới 5 năm.
Theo VCCI, để thực hiện quy định này, một ôtô có thể phải gánh các chi phí khoảng 17 triệu đồng, trong đó chi trả chi phí lắp camera 5,8 triệu đồng, chi phí truyền dữ liệu 1,2 triệu đồng, chi phí thải bỏ camera là 5 triệu đồng, chi phí để tháo dỡ camera là 5 triệu đồng.
Nếu trên cả nước có 200.000 xe khách, ôtô đầu kéo, container thì chi phí ước tính để tuân thủ riêng phần lắp camera là 1.160 tỉ đồng, hàng tháng chi phí truyền dẫn dữ liệu sẽ là 240 tỉ đồng.
Mục tiêu quản lý của cơ quan nhà nước khi ban hành quy định lắp camera nhằm giám sát và cảnh báo vi phạm đối với tài xế, đảm bảo an toàn giao thông.
Nhưng VCCI cho rằng khi phân tích vào từng mục tiêu thì thấy rằng camera lắp trên xe có thể giám sát hành vi của lái xe. Là căn cứ xử lý vi phạm, ngăn ngừa vi phạm nhưng việc giám sát này có một số hạn chế nhất định vì dữ liệu truyền về là hình ảnh tĩnh chứ không phải hình ảnh động. Do đó, trong một số trường hợp không phản ánh chính xác hành vi của tài xế.
Dù camera cũng có thể giám sát và là bằng chứng để xử lý các vi phạm của hành khách trên xe, nhưng chưa có số liệu thống kê đầy đủ nào về các hành vi vi phạm trên ôtô là nguy cơ cao để cơ quan nhà nước buộc phải thực hiện giám sát hành vi của các hành khách, VCCI nhấn mạnh.
Còn các mục tiêu về giám sát tải trọng, hành trình của ôtô theo đánh giá của VCCI thì camera không có chức năng này và hiện tại quy định pháp luật đã có các công cụ khác để quản lý.
Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 khẳng định, nếu xét về tính pháp lý thì quy định này chưa đủ rõ ràng để các doanh nghiệp xác định chính xác số lượng, chủng loại camera phải lắp trên xe.
VCCI cho rằng mục tiêu quản lý khi lắp camera cần được đánh giá về tính hiệu quả ở nhiều góc độ, trong khi quy định này tạo ra chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh ngành vận tải hành khách chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua, quy định này sẽ gia tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ quy định lắp camera trong Nghị định số 10 hoặc có cơ chế thí điểm đối với một số loại hình kinh doanh vận tải nhất định để đánh giá về tính hiệu quả, hợp lý, VCCI nhấn mạnh.
TTO - Đề nghị tạm dừng việc xử phạt hành chính với các xe vận tải chưa lắp camera giám sát hành trình của doanh nghiệp vận tải được Chính phủ chấp thuận, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn do tác động của dịch COVID-19.