Hàng trăm cổ phiếu tăng giá trong phiên cuối tuần 1-4 - Ảnh: BÔNG MAI
Ở phiên giao dịch hôm nay 1-4, nhà đầu tư chứng khoán không khỏi rạng rỡ khi chứng kiến thị trường hồi phục và tăng trưởng mạnh. Sắc xanh bủa vây hàng trăm mã chứng khoán và phủ rợp khắp các sàn giao dịch chính.
Theo nhiều chuyên gia, thông tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý kỷ luật hàng loạt lãnh đạo cấp cao ngành chứng khoán công bố vào hôm qua được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán minh bạch và phát triển hơn.
Các mã chứng khoán của nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn được dòng đầu tư ào ạt đổ tiền vào mua, trở thành công thần đẩy thị trường đi lên, trong đó công lớn thuộc về các mã như MWG (Thế giới di động), MSN (Masan), NVL (Novaland), SAB (Sabeco), FPT (FPT), VIC (Vingroup)...
Hàng loạt cổ phiếu "vua" ngành ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc vui, tăng giá tích cực như VPB (VPBank), BID (BIDV), VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank)...
Lội ngược dòng, thị trường vẫn bị áp lực khi nhiều cổ phiếu khác bị nhà đầu tư đem ra bán như BCM (Becamex), LGC (Đầu tư cầu đường CII), TMS (Transimex), PGV (Phát điện 3), PVD (Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí)...
Cổ phiếu thuộc "họ FLC" trở thành tâm điểm của thị trường, trong khi các phiên trước liên tục nằm sàn, thì hôm nay xuất hiện thanh khoản, kéo mã FLC (Tập đoàn FLC) và ROS (Xây dựng FLC Faros) đổi màu từ xanh lơ sang xanh đỏ, lần lượt đạt mức giá 10.850 đồng và 6.920 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, có tới 4 mã thuộc "họ FLC" tăng trần, chuyển từ xanh lơ sang màu tím, bao gồm các mã: mã HAI (Nông dược H.A.I), mã AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) và mã ART (Chứng khoán BOS).
Theo tìm hiểu, trên thị trường xuất hiện tin đồn ông Đặng Tất Thắng - người vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC thay ông Trịnh Văn Quyết (sau khi bị bắt giam để điều tra về tội thao túng chứng khoán) - có đăng ký mua khối lượng lớn cổ phiếu FLC.
Trong phiên, dựa vào chỉ số ngành, có thể thấy hôm nay chỉ có hai ngành bị sụt giảm điểm gồm chăm sóc sức khỏe và năng lượng, các ngành còn lại như bất động sản, công nghiệp, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu, tài chính và công nghệ thông tin đều tăng đáng kể. Riêng chỉ số cổ phiếu của ngành hàng tiêu dùng là tăng mạnh nhất (+5,19%).
Càng về cuối phiên, lực mua càng tăng mạnh, cầu áp đảo cung. Chốt phiên, chỉ số VN-Index chính thức tăng 24,29 điểm (+1,63%) lên 1.516,44 điểm, tiến gần mức đỉnh kỷ lục (1.528,57 điểm, lập vào ngày 6-1-2022). Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 26.699 tỉ đồng.
Trong khi đó sắc xanh cũng lan tỏa trên sàn HNX và UPCoM với việc tăng 4,48 điểm (+1%) và nhích nhẹ 0,15 điểm (+0,13%) lên 117,19 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn lớn đạt hơn 31.950 tỉ đồng. Điểm sáng trong phiên là khối ngoại mua ròng hơn 490 tỉ đồng, trở thành phiên thứ tư liên tiếp mua ròng.
TTO - Không chỉ mua bán lướt sóng cổ phiếu, "cạnh tranh" với chính khách hàng của mình khi nắm được nhiều thông tin trọng yếu của doanh nghiệp, các công ty chứng khoán (CTCK) còn có thể trở thành sân sau cho "người nhà" thao túng cổ phiếu.