Hôm nay (1/4) là thời hạn cuối cùng cho khách hàng từ các quốc gia mà Nga coi là "không thân thiện" phải thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Nếu không, họ sẽ bị cắt nguồn cung, theo sắc lệnh đã được ký bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Reuters, hiện cũng chưa có dấu hiệu nào về sự gián đoạn ngay tức thì. Dòng chảy khí đốt vẫn ổn định qua hai trong ba đường ống chính đưa khí đốt của Nga vào châu Âu. Đó là Nord Stream 1 đi qua Biển Baltic và đường ống vào Slovakia qua Ukraine.
Đường ống chính thứ ba là Yamal-Europe qua Belarus thì có ghi nhận việc đổi hướng đích đến của sản phẩm. Theo đó, khí đốt đến Đức được chuyển sang Ba Lan, nhưng việc này cũng không bất thường.
Tập đoàn Gazprom cho biết họ đang tiếp tục cung cấp cho châu Âu thông qua Ukraine theo yêu cầu của khách hàng, với 108,4 triệu m3 hôm nay, giảm nhẹ so với 109,5 m3 hôm qua.
Một nguồn tin cho biết trên Reuters rằng, một số hợp đồng bán khí đốt với châu Âu là dạng giao hàng trước, thanh toán sau. Vì chưa đến hạn thanh toán, có thể van khí đốt chưa phải khóa ngay lập tức.
Sau khi sắc lệnh được ký hôm 31/3, Đức - nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất châu Âu, cáo buộc động thái của ông Putin là "tống tiền chính trị". Trong khi đó, Mỹ khẳng định biện pháp này cho thấy sự "tuyệt vọng" về tài chính của Điện Kremlin.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi tin rằng sắc lệnh không áp dụng cho họ. Chính quyền Đức cho hay, trong cuộc điện đàm hôm 30/3, Tổng thống Putin đã thông báo với Thủ tướng Scholz về việc khí đốt phải được thanh toán bằng ruble từ 1/4. Nhưng đồng thời, ông Putin cũng nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện rằng sẽ không có gì thay đổi với hợp đồng đã có từ đối tác châu Âu.
Các khoản thanh toán sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro như thường lệ cho Gazprombank của Nga - ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Sau đó, ngân hàng này sẽ chuyển đổi số tiền đó thành ruble.
Tương tự, Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng đã điện đàm với ông Putin hôm 30/3. Vì vậy, ông Draghi vẫn nói với giới truyền thông rằng Italy dự kiến không bị cắt khí đốt. Ông Draghi cho biết các hợp đồng hiện tại vẫn còn hiệu lực và các công ty sẽ tiếp tục thanh toán bằng đồng euro hoặc USD thay vì ruble.
Các nhà phân tích năng lượng cũng tin rằng khó có khả năng gã khổng lồ khí đốt Gazprom sẽ vi phạm các hợp đồng hiện có, bằng cách dừng cung cấp khí đốt cho những khách hàng từ chối thanh toán bằng đồng ruble trong ngắn hạn.
Giải thích lý do Nga chưa cắt khí đốt tới châu Âu trong cuộc họp báo ngày 1/4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Nhiều người hôm qua hỏi tôi rằng liệu khí đốt có bị cắt từ ngày 1/4 nếu chưa xác nhận thanh toán bằng đồng ruble hay không. Không phải vậy, sắc lệnh được Tổng thống Nga ký và công bố hôm qua không quy định điều đó".
"Khoản thanh toán cho nguồn cung hiện tại không được thực hiện vào hôm nay, mà sẽ được thực hiện vào nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5", ông Peskov nói.
Trên thực tế, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga đóng góp khoảng 43% ngân sách liên bang của Điện Kremlin từ năm 2011 đến năm 2020. Việc này cho thấy nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò trung tâm đối với chính phủ Nga.
Phiên An - Nguyễn Tiến (theo Reuters, CNBC)