Theo hồ sơ, tháng 9-2015, Luyện Xuân Tràng thỏa thuận với Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dương Đông Sài Gòn về việc nhận chuyển nhượng 80% cổ phần Công ty Dương Đông Hòa Phú với giá 430 tỉ đồng.
Do Công ty Dương Đông Hòa Phú còn nợ tiền vay ngân hàng nên Luyện Xuân Tràng nhận toàn bộ tài sản, công nợ của Công ty Dương Đông Hòa Phú và chịu trách nhiệm trả các khoản nợ vay. Thực hiện thỏa thuận trên, Luyện Xuân Tràng bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Đức Mạnh về việc Tràng và Mạnh cùng mua 80% cổ phần Công ty Dương Đông Hòa Phú, trong đó Mạnh có 30% cổ phần và làm Tổng Giám đốc, trực tiếp vào Bình Thuận điều hành hoạt động Công ty, còn lại 50% cổ phần là của Luyện Xuân Tràng.
Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cổ phần, Luyện Xuân Tràng giao cho Nguyễn Đức Mạnh chỉ đạo, điều hành và quyết định việc tiêu thụ xăng dầu trong nước tại Công ty Dương Đông Hòa Phú. Việc nhập khẩu xăng, dầu từ nước ngoài về do Luyện Xuân Tràng thỏa thuận với bên bán hàng. Trong đó, Luyện Xuân Tràng thỏa thuận mua số lượng hàng lớn nhưng chỉ khai hải quan số lượng nhỏ nên trong hợp đồng mua bán chỉ ghi một phần số lượng hàng thực tế nhập khẩu. Số lượng thực tế nhập khẩu được chia thành 2 vận đơn, trong đó 1 vận đơn có số lượng phù hợp với số lượng ghi trong hợp đồng mua bán, dùng để khai báo hải quan, vận đơn còn lại là số lượng hàng nhập lậu.
12 bị cáo liên quan đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất tại Bình Thuận được đưa ra xét xử, tháng 12-2018. Ảnh: NT
Bằng chiêu thức này, từ ngày 14-10-2015 đến ngày 29-1-2016, Luyện Xuân Tràng đã thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo Nguyễn Đức Mạnh điều hành việc thực hiện nhập lậu 12 chuyến xăng, dầu với số lượng 53.163,359 tấn xăng A92 và 53.268,206 tấn dầu DO 0,05%S, tổng trị giá hơn 2.034 tỉ đồng.
Sau khi nhập lậu xăng, dầu về Việt Nam, Luyện Xuân Tràng chỉ đạo cấp dưới liên hệ bán xăng dầu nhập lậu cho nhiều doanh nghiệp tại Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,….
Sau thời gian dài trốn lệnh truy nã, ngày 14-9-2019, Luyện Xuân Tràng đã đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an đầu thú.
Liên quan đến vụ án này, vào tháng 12-2018, TAND tỉnh Bình Thuận đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 bị cáo về tội "Buôn lậu", 2 bị cáo về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới", 1 bị cáo về tội "Nhận hối lộ", 3 bị cáo về tội "Đưa hối lộ", 1 bị cáo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài việc ban hành cáo trạng truy tố, VKSND Tối cao cũng phân công VKSND tỉnh Bình Thuận thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với Luyện Xuân Tràng về tội "Buôn lậu" theo điểm a khoản 4 Điều 188 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); 8 bị can khác cùng về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" theo điểm a khoản 4 Điều 250 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Đây là vụ buôn lậu và tiêu thụ xăng dầu nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Thuận, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Theo Chẩu Tỉnh
Người lao động