Ngay sau khi kết thúc chuyến công tác tại Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), ngày 1/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì các cuộc họp quan trọng về các vấn đề “nóng” của ngành.
Nội dung bao gồm bảo đảm nguồn cung ứng than cho điện, cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt, phục hồi kinh tế và xử lý một số vấn đề liên quan đến điện mặt trời áp mái.
Năm 2022 sẽ không thiếu điện
Theo Bộ trưởng, diễn biến tình hình thế giới, đặc biệt là thời kỳ hậu Covid -19, vấn đề cạnh tranh thương mại, xung đột vũ trang xảy ra một số nơi… làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng nói chung, gây khó khăn cho quá trình mua bán, thanh toán của các vật tư chiến lược bao gồm xăng dầu, khí đốt và than.
Trước tình hình đó, cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch, kịch bản vận hành hệ thống điện và cung cấp nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện năm 2022. Trong đó đã xác định cụ thể trách nhiệm của Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, đơn vị cung cấp than.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do tình hình cung cấp than cho sản xuất điện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chưa đủ theo Hợp đồng mua bán than đã ký, nên dự báo có thể thiếu hụt khoảng 3.000 MW nhiệt điện than trong năm 2022.
Tại buổi làm việc, đại diện các tập đoàn đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc có thể huy động bổ sung khoảng 3.700 MW để bù đắp vào sản lượng nhiệt điện than thiếu hụt. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo khoảng 1.000 MW, nguồn thủy điện khoảng 300 MW, nguồn điện khí khoảng 1.200 MW, nguồn nhiệt điện than khoảng 1.200 MW.
Như vậy, có thể khẳng định, năm 2022 không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo kế hoạch huy động và vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Tại buổi làm việc, người đứng đầu ngành Công Thương đã yêu cầu các tập đoàn thực hiện ngay các giải pháp nhằm huy động bổ sung sản lượng phát điện từ các nguồn bổ sung.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị sản xuất than (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc), khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước, tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với các đối tác truyền thống và các đối tác mới.
Tiếp đến, nâng cao trách nhiệm trong việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm huy động tối đa các nguồn điện. Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia và các đơn vị truyền tải phải đặt vào trạng thái luôn sẵn sàng để thực hiện được các mục tiêu này. Giải quyết ngay những vướng mắc trong Hợp đồng mua bán nhiên liệu sơ cấp, mua bán điện giữa các bên.
Về dài hạn, Bộ trưởng yêu cầu các tập đoàn phối hợp chặt chẽ để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá nhiên liệu sơ cấp, vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện.
Đề nghị Úc bán 5 triệu tấn than/năm, chuyển ngay trong tháng 4
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie về kế hoạch nhập khẩu than giúp Việt Nam giữ vững an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ trưởng đã đề nghị phía Úc cân đối sản lượng than trong nước để cung cấp cho phía Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới đang tăng nhanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Nhu cầu tăng nhanh, đứt gãy chuỗi vận tải xảy ra cục bộ ở nhiều nơi đã gây ra nhiều khó khăn đối với hoạt động cung ứng than cho sản xuất điện ở nhiều nước trên thế giới.
Đánh giá cao năng lực khai thác và xuất khẩu than đá của Úc (lên tới hơn 200 triệu tấn than/năm với giá trị xuất khẩu khoảng gần 40 tỷ USD/năm), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ Úc hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp của Úc với các tổng công ty nhà nước của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cung ứng mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than cho sản xuất điện ở Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị Đại sứ hỗ trợ thúc đẩy để tổ chức ngay cuộc họp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên để sớm thống nhất các hợp đồng mua bán than, đưa các chuyến hàng than đá từ Úc về Việt Nam ngay trong tháng 4 này.
Bên cạnh việc cung cấp khối lượng than ổn định, chất lượng tốt, Bộ trưởng cũng lưu ý và đề nghị phía Úc xem xét, cung ứng than cho Việt Nam với giá hợp lý để có giá thành sản xuất điện ở mức phù hợp, đảm bảo mục tiêu đủ điện cho sản xuất và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam.
Đại sứ Robyn Mudie khẳng định, phía Úc có đủ năng lực sản xuất, khai thác, chế biến, công nghệ, cơ sở hạ tầng để cung cấp than cho Việt Nam. Đại sứ cho biết sẽ ngay lập tức chuyển yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về nước và tổ chức ngay cuộc họp giữa cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cung cấp, nhập khẩu than của hai nước như phía Việt Nam đề nghị.
Theo kế hoạch, vào sáng 2/4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ có cuộc làm việc với Đại sứ Cộng hòa Nam Phi liên quan đến vấn đề nguồn cung ứng than cho điện.
Xem thêm:
Nguồn cung cấp than gặp khó, EVN kêu gọi tiết kiệm điện
Bộ Công Thương yêu cầu cấp đủ than cho sản xuất điện, TKV kêu khó