Tôi là MC đám cưới, sau khi khỏi COVID-19 tôi xuất hiện tình trạng khó diễn đạt ý nghĩ thành lời nói, cũng có lúc vừa nói mà không nhớ mình nói cái gì thì có phải tôi bị hội chứng sương mù não hậu COVID-19 không? (Thái Hoàng, Đồng Nai)
Trả lời:
Trải qua hơn hai năm kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, trên thế giới đã có khá nhiều nghiên cứu về hội chứng sương mù não (brain fog), một dạng rối loạn chức năng nhận thức.
BS Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa tâm lý y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tại buổi giao lưu về hậu COVID-19 tại PLO
Với hội chứng này, tổn thương vi mô trên não không xác định được, nhưng người ta thấy nó diễn ra với nhiều mức độ, dưới các hình thức khác nhau. Có người thì đơn giản chỉ là giảm khả năng tập trung chú ý, hay quên những gì mới xảy ra mà điển hình là quên chìa khóa hoặc các vật nho nhỏ. Ở một số người thì nó xảy ra theo cách đang nói đột nhiên không diễn đạt được các từ, có người bị đãng trí ảnh hưởng tới giải quyết công việc, khả năng tiếp thu, học hành hoặc có người nặng hơn là bị lú lẫn…
Tuy nhiên, để xác định xem bạn có thực sự bị hội chứng sương mù não hay không thì cần đi khám chuyên khoa để biết tình trạng của bạn xuất hiện sau khi bị COVID-19 bao lâu, diễn tiến, bệnh sử thế nào. Các bác sĩ sẽ cho bạn làm trắc nghiệm tâm lý về nhận thức, thần kinh, ví dụ thang đánh giá mức độ suy giảm nhận thức để xác định bạn có thực sự mắc hội chứng nói trên không.
Nếu tình trạng bạn hỏi chỉ mới xuất hiện và ở mức độ nhẹ, bạn vẫn tự phục vụ chăm sóc được bản thân cùng những người xung quanh, vẫn đi làm bình thường... thì không nhất thiết phải đi khám liền. Lời khuyên là bạn cần chú ý hơn đến sức khỏe, điều chỉnh chế độ ăn, ngủ, nghỉ điều độ và hợp lý. Việc nào làm ngay được thì nên làm ngay. Với những việc buộc phải trì hoãn, bạn nên chuẩn bị một cuốn sổ tay nho nhỏ hoặc ghi vào điện thoại...
Bạn có thể giải trí bằng cách đọc sách, chơi các trò chơi giải đố để rèn luyện thêm về nhận thức, trí óc. Bên cạnh đó, tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng. Thường là khi bạn quên một cái gì đó thì hay bị kích hoạt theo đó là sự lo lắng mình nói liệu có đúng không, bị người xung quanh đánh giá thế nào… Do vậy bạn nên học cách điều hòa cảm xúc như đang nói nhanh thì mình chậm lại, hít thở để lấy lại bình tĩnh.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng - Bác sĩ chuyên khoa 1 GIANG NGỌC THỤY VY, Trưởng khoa tâm lý y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM