Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (MCK: VJC) mới đây vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 với nhiều chỉ tiêu đi xuống nhưng kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp lại ghi nhận khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực.
Cụ thể, trong quý IV năm 2021, doanh thu thuần từ vận tải hàng không của Vietjet ghi nhận 2.789 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Trừ chi phí tài chính tăng cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận gần 274 tỷ đồng thì các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý ghi nhận âm hơn 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cõ lãi hơn 261 tỷ đồng.
Quý IV/2020, doanh nghiệp ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới hơn 745 tỷ đồng và chi phí vỏn vẹn hơn 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó năm 2021, trong quý IV hãng bay này chỉ ghi nhận hơn gần 8 tỷ đồng thu nhập khác nhưng chi phí lại tăng cao lên 7,4 tỷ đồng. Thu nhập đi lùi mà chi phí tăng cao khiến kết quả từ hoạt động khác của doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm rõ rệt xuống còn 367 triệu đồng.
Lợi nhuận sau thuế TNDN của Vietjet trong quý IV/2021 ghi nhận lao dốc xuống âm 93 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi tới hơn 994 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế năm 2021, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp đạt 12.998 tỷ đồng, mặc dù giảm gần 29% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại đạt 100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020.
Hãng hàng không đề ra mục tiêu doanh thu năm 2021 là 21.900 tỷ đồng. Như vậy kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp mới thực hiện được 59% kế hoạch đề ra trước đó.
Năm 2021, Vietjet thực hiện gần 42.000 chuyến bay, vận chuyển trên 5,4 triệu lượt khách trên toàn mạng bay. Với hoạt động vận chuyển hàng hóa, hãng đạt doanh thu 2.954 tỷ đồng, tiếp tục ghi nhận sức tăng trưởng nhanh. Doanh thu về hàng hóa vượt trên 200% so với cùng kỳ.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ghi nhận âm 3.717 tỷ đồng (cùng kỳ dương 1.143 tỷ đồng) nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính lại tăng vượt bậc lên mức 6.408 tỷ đồng (cùng kỳ âm 369 tỷ đồng).
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của hãng đạt gần 51.785 tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,91 lần. Trong khi đó, chỉ số thanh khoản đạt 1,63 lần và nằm ở mức tốt trong ngành.
Về nguồn vốn, Vietjet ghi nhận nợ phải trả tăng 15,5% so với đầu năm lên mức gần 34.910 tỷ đồng. Cơ cấu nợ chủ yếu là nợ dài hạn với khoản vay và trái phiếu phát hành dài hạn (8.206 tỷ đồng) và dự phòng phải trả dài hạn (9.703 tỷ đồng). Nợ ngắn hạn của hãng chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn (7.253 tỷ đồng) và phải trả người bán ngắn hạn (4.343 tỷ đồng).
Trong năm, Vietjet tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất, các hãng chỉ trả theo mức tối thiểu.
Tháng 12/2021, Vietjet đã đón tàu bay thân rộng Airbus A330-300 đầu tiên, sẵn sàng cho kế hoạch khai thác các chặng bay tầm trung và dài lên đến gần 12.000 km, an toàn, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Sau 10 năm cất cánh chuyến bay đầu tiên (24/12/2011 - 24/12/2021), Vietjet chuyên chở trên 110 triệu lượt hành khách, thực hiện được sứ mệnh khai thác và phát triển mạng đường bay rộng khắp trong nước, khu vực và quốc tế.
Trên thị trường, cổ phiếu VJC đang giao dịch trong vùng giá 140.900 đồng/cổ phiếu, tăng 0,28% (chốt phiên ngày 1/4).