"Gần một nửa doanh thu của Nga đến từ việc giao dịch dầu mỏ và khí đốt. Nước này sẽ kiếm được một khoản doanh thu khổng lồ từ thuế sản xuất và thuế xuất khẩu. Nga sẽ nhận được các khoản thanh toán bằng đồng rúp và việc trên được quyết định bởi 2 nhân tố: đầu tiên là giá năng lượng trên thị trường thế giới và thứ hai là tỷ giá hối đoái của đồng rúp", ông Kluge cho hay.
Theo chuyên gia này, doanh thu từ khí đốt của Nga sẽ tăng cao trong năm nay giữa bối cảnh nhiều hợp đồng khí đốt Nga đang điều chỉnh theo giá giao ngay đang tăng lên.
"Giá khí đốt trên thị trường giao ngay đã tăng gấp 5 lần trong năm ngoái. Điều đó tức là Gazprom sẽ có doanh thu kỷ lục", chuyên gia Kluge nhận định, đồng thời cho biết giá khí đốt sẽ tăng đáng kể trong một vài tháng tới.
Tình hình với dầu mỏ cũng diễn ra tương tự, vốn thu lợi từ việc đồng rúp giảm giá do các lệnh trừng phạt.
"Nga đã lên kế hoạch ngân sách quốc gia với tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng rúp là 72 nhưng hiện nay đồng nội tệ Nga đang giao dịch ở mức 85 rúp đổi 1 USD, yếu hơn nhiều so với mức trên, nhưng nếu xét từ góc độ xuất khẩu năng lượng, đây là một lợi thế. Nếu tăng giá dầu lên nhiều lần theo tỷ giá hối đoái của đồng rúp, điều đó cho thấy Nga kỳ vọng đạt doanh thu khoảng 4.500 rúp/thùng dầu nhưng nước này đang nhận được nhiều hơn thế, với khoảng 7.000 rúp/thùng dầu".
Theo chuyên gia này, lợi nhuận từ buôn bán năng lượng sẽ giúp Nga đủ khả năng đối phó với các lệnh trừng phạt áp lên nền kinh tế Nga vì cuộc chiến ở Ukraine cũng như các biện pháp hạn chế khác bằng việc dừng lạm phát.
Ông Kluge tin cũng cho rằng "cái giá" mà Nga phải trả cho cuộc chiến ở Ukraine không quá cao và các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại trừ cấm vận hoàn toàn, sẽ hầu như không thể ngăn cản Nga hành động. Sau khi chứng kiến Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện các biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt kinh tế để duy trì nền kinh tế, ông Kluge dự đoán Nga sẽ vượt qua các vòng trừng phạt của phương Tây và thậm chí còn thặng dư ngân sách vào năm nay.