Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga đang có hiệu quả, bất chấp giá trị của đồng rúp phục hồi so với đồng đô la Mỹ.
Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính quyền tin rằng giá trị thực của đồng rúp đã giảm sâu. Lý do là vì lạm phát ở Nga đang tăng phi mã và tỷ giá hối đoái của đồng tiền này bị phá giá trên thị trường chợ đen.
Ngày 1/4, đồng rúp giao dịch ở mức khoảng 86 rúp đổi 1 USD trên thị trường liên ngân hàng, sau khi giảm 150 rúp đổi 1 USD vào đầu tháng 3. So với ngày 23/3, một ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá trị hiện tại của đồng rúp kém không xa đồng đô la.
Tuy nhiên, đồng rúp không có chức năng như một loại đồng tiền chuyển đổi, sau khi các lệnh trừng phạt dẫn đến sự sụt giảm trong nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đối với các doanh nghiệp. Người tiêu dùng phần lớn không thể mua sản phẩm trên thị trường quốc tế hoặc đi ra nước ngoài.
Đồng rúp phục hồi sau đợt giảm lịch sử do chiến sự tại Ukraine
Các nhà kinh tế cho rằng sự phục hồi của đồng rúp trên thị trường liên ngân hàng là do các biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt của Moscow. Điều này đã ngăn người dân Nga chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng nước ngoài hoặc rút một lượng lớn tiền mặt ra khỏi đất nước.
Moscow cũng đã tạm thời cấm các ngân hàng và công ty môi giới hoạt động trao đổi ngoại tệ đối với đô la và euro.
Quan chức Bộ Ngân khố Mỹ lưu ý rằng lạm phát ở Nga đã tăng 6% trong 3 tuần qua. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của ngân hàng trung ương phương Tây đã ngăn nước này tiếp cận một nửa dự trữ ngoại tệ của mình, cắt đứt khả năng tiếp cận với "tấm đệm" mà Nga đang xây dựng để giảm bớt thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt.
Karl Schamotta, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Corpay, cho biết: "Nội dung thông tin về tỷ giá hối đoái hiện nay không giống với nội dung của bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Thực tế là chúng ta đang tạo ra chiếc van một chiều: tiền chảy vào Nga nhưng không thoát ra. Điều đó sẽ buộc tỷ giá hối đoái tăng theo thời gian".
Chuyên gia cũng cho biết thị trường chợ đen đang định giá ở trong khoảng từ 110-140 đối với các giao dịch đổi rúp lấy đô la. Vì vậy, những công dân đang tìm cách mua đô la hoặc euro đang phải trả một khoản phí cao hơn nhiều so với những gì mọi người đang thấy trên thị trường liên ngân hàng.
Schamotta nói thêm rằng rõ ràng các biện pháp trừng phạt được áp dụng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế thực, nền kinh tế phi năng lượng, nền kinh tế phi hàng hóa và đang buộc các hộ gia đình phải chi trả những khoản phí khổng lồ.
Trao đổi với phóng viên, quan chức Bộ Ngân khố cho biết Mỹ tin rằng họ vẫn có khả năng mở rộng các lệnh trừng phạt trong tương lai, do EU tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác của Nga.
Quan chức này cho biết Mỹ đang dự định đưa ra các biện pháp trừng phạt để tối đa hóa gián đoạn đối với chiến sự tại Ukraine, đồng thời cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và với EU nói riêng.
Vị quan chức này nhấn mạnh, điều quan trọng hơn là Mỹ, EU và Anh cần phải thống nhất các lệnh trừng phạt khó tránh khỏi đối với Nga hơn là để Washington phải áp đặt các biện pháp khắc nghiệt nhất có thể.
Theo FT
http://tintuc.vdong.vn/04/1298188.htm