Không hề có logo Apple in trên thiết bị khi Steve Wozniak tạo ra chiếc Apple-I vào năm 1975, hay khi Steve Jobs bán thiết bị này ra thị trường vào tháng 7/1976. Nhưng khi Apple được chính thức thành lập vào ngày 1/4/1976, công ty đã có một logo của riêng mình.
Logo này được thiết kế bởi nhà sáng lập thứ ba của Apple, Ron Wayne, tuy nhiên tuổi đời của nó cũng ngắn ngủi như thời gian ông tại vị vậy. Wayne rời Apple chỉ vài ngày sau khi công ty được thành lập, và trong vòng một năm sau đó, logo nguyên gốc của ông cũng bị thay thế.
Logo này dường như tồn tại ở một thế giới hoàn toàn khác so với biểu tượng trái táo khuyết đơn sắc, giản dị mà chúng ta thấy ngày nay. Nó giống như một bức tranh khắc gỗ lấy ra từ cuốn tiểu thuyết thời Victoria nào đó, và bản thân font chữ quanh logo cũng không được hiện đại cho lắm.
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy dòng chữ "Newton - A mind forever voyaging through strange seas of though alone", được trích ra từ cuốn tiểu thuyết "The Prelude" do William Wordsworth viết vào năm 1850 - tức 126 năm trước khi được Wayne vay mượn để đưa vào logo - ám chỉ người đàn ông ở trung tâm logo, đang ngồi ở tư thế rất giống hình người mà sau này Amazon dùng làm logo cho Kindle.
Logo 6 màu, nhưng không phải mang ý nghĩa như bạn biết ngày nay
Logo vẽ tay của Wayne bị thay thế vào năm 1977 bằng một tác phẩm của nhà thiết kế Rob Janoff.
Đó là logo hình trái táo khuyết mà bạn đang thấy ở thời điểm hiện tại, nhưng không phải đơn sắc mà được tô bằng 6 dải màu nổi tiếng.
"Nó thực sự rất đơn giản" - Janoff nói trong một bài phỏng vấn. "Tôi mua vài trái táo, cho chúng vào rổ, và vẽ chúng trong một tuần hoặc hơn nhằm tìm cách đơn giản hóa hình dáng logo"
Ông nói rằng toàn bộ quá trình thiết kế, từ lên ý tưởng cho đến khi ra tác phẩm cuối cùng, mất khoảng 2 tuần, và dự tính của hãng là làm sao để có được một logo trước thời điểm ra mắt máy tính Apple II vào tháng 4/1977.
"Công ty không nói nhiều khi giao việc thiết kế logo, trừ yêu cầu 'đừng làm nó dễ thương là được'" - Janoff nói tiếp. "Nhưng tôi nắm rõ những điểm đáng tiền của máy tính Apple (vào thời điểm đó), và một trong những ưu điểm lớn nhất là khả năng thể hiện màu sắc"
"Đối với tôi, chúng trông như những thanh màu trên màn hình, và đã được biến thành những dải sọc trong logo. Thứ tự của những dải đó, tôi xin lỗi, không có ý nghĩa gì đâu trừ việc tôi thích bố trí như thế" - ông nói.
Steve Jobs và logo 6 màu
Một số nguồn khẳng định rằng, không như phiên bản logo hoàn chỉnh cuối cùng mà chúng ta đã quen thuộc, thiết kế của Janoff có những dải màu trên cùng đậm hơn, và sáng dần lên khi xuống dưới. Và chính Steve Jobs là người muốn đảo ngược thứ tự đó.
Bản thân Janoff nói về phiên bản nguyên gốc của ông là, "tất nhiên rồi, dải màu xanh lá phải ở trên cùng, nơi có lá (của trái táo)"
Dù không rõ cựu lãnh đạo Apple, Jean-Louis Gassee, đã nói về logo này ở đâu, nhưng có nhiều bài báo liên tục trích lời ông rằng logo 6 màu rất phù hợp với Apple.
"Một trong những bí ẩn lớn đối với tôi là logo của công ty, biểu tượng của sự thèm khát và kiến thức, bị cắn một phần, với những dải màu cầu vồng theo một trật tự loạn xạ" - ông nói.
"Bạn không thể mơ thấy một cái logo phù hợp hơn đâu: thèm khát, kiến thức, hi vọng, và hỗn loạn" - ông nói tiếp.
Khá chắc rằng chính Jobs là người muốn giữ lại một yếu tố trong thiết kế của Janoff, dù cho điều đó khiến việc in logo trở nên tốn kém hơn nhiều. Thời đó, người ta thường in 4 màu, do đó có đến 6 màu hiển nhiên sẽ đắt đỏ hơn - nhưng đó chẳng phải vấn đề.
Vấn đề là Jobs kiên quyết không cho kẻ những đường thẳng phân tách 6 màu đó ra. Những đường thẳng sẽ giúp in ấn dễ hơn, màu sẽ không bị đè lên nhau, bởi chúng cho phép sai số trong quá trình in.
Jobs không muốn những đường thẳng, do đó quá trình in ấn lại càng phải chính xác hơn, dẫn đến chi phí tiếp tục bị đội lên.
Tuy nhiên, logo Apple vào thời điểm ban đầu này đôi lúc vẫn được in với chỉ một màu duy nhất, thường là khi có kèm theo tên và địa chỉ đầy đủ của công ty. Trong những trường hợp đó, cụm từ "apple computer inc" được viết in thường, với chữ "a" nằm ngay phần khuyết của trái táo.
Dẫu vậy, phiên bản 6 màu mới được vinh dự xuất hiện trong mọi quảng cáo - và được kèm theo trong các máy tính Macintosh nữa.
Về sau, Michael Scott, CEO Apple từ 1977 - 1981, nhắc lại biểu tượng trái táo này là "logo đắt đỏ nhất từng được thiết kế ra"
Trường tồn
Steve Jobs là người muốn logo trái táo 6 màu, và cũng chính ông là người muốn thay thế nó khi quay lại nắm quyền tại công ty vào thập niên 1990. Logo 6 màu của Janoff tồn tại từ 1977 đến 1998, tổng cộng 21 năm.
Tuy nhiên, một năm trước khi bị ngừng sử dụng, logo trái táo quen thuộc được chuyển sang phiên bản trắng hoàn toàn và xuất hiện trên vỏ của chiếc PowerBook G3. Hộp chứa máy có cả logo trắng hoàn toàn và đen hoàn toàn.
Vào năm 1998, phiên bản đen hoàn toàn bắt đầu trở thành logo chính thức của Apple.
Ngoài sự thay đổi về màu sắc, phần còn lại của logo vẫn được giữ nguyên và chưa bao giờ thay đổi kể từ đó.
Trong những năm gần đây, Apple đã biến tấu đôi chút logo này để sử dụng trong các thư mời sự kiện của hãng, nhưng ai ai nhìn vào đó cũng biết được logo thực sự trông như thế nào rồi!
Từ 1998 cho đến hiện tại, đã có nhiều phiên bản khác nữa của logo Apple, tuy nhiên mỗi phiên bản chỉ khác nhau ở màu sắc và họa tiết mà thôi.
Logo Apple đơn sắc
Năm 1998, Apple đã có lúc thay đổi logo trong một thời gian ngắn để đón chào sự kiện ra mắt iMac. Màu logo được chuyển thành xanh dương trong mờ (Bondi Blue), tương tự trên những chiếc iMac đầu tiên, và được render theo phong cách 3D nhẹ nhàng.
Thay vì hàm ý về khả năng tái hiện màu sắc của máy tính Apple II, phiên bản logo tái thiết kế đầu tiên kể từ thập niên 1970 này thể hiện theo đúng nghĩa đen sự đa dạng về màu sắc của chiếc iMac.
Tương tự, khi iMac và iBook ra mắt với nhiều màu sắc khác, logo Apple trên chúng cũng đổi màu cho trùng khớp. PowerBook vẫn giữ logo màu trắng, có đèn nền, trên vỏ máy.
Nhưng ngoài khoảnh khắc rực sáng ngắn ngủi trên sân khấu khi ra mắt sản phẩm, phiên bản logo màu xanh dương (Bondi Blue) không được Apple chọn làm logo chính thức trong thời gian dài.
Thay vào đó, phiên bản đen hoàn toàn tiếp tục chiếm ưu thế, nhưng chỉ trên bề mặt những sản phẩm mà nó được in lên thôi. Hệ điều hành Mac OS 8 tiếp tục sử dụng logo màu cầu vồng trên màn hình, trong menu Apple, và phần "About This Computer".
Điều đó thay đổi khi OS X được giới thiệu vào năm 2001, cũng là lúc menu Apple sử dụng diện mạo mang tên Aqua của hệ điều hành mới. Nó giống như logo Bondi Blue của iMac, với hiệu ứng 3D.
Nhưng đồng thời, một số ứng dụng như iTunes, lại dùng logo Apple màu đen hoàn toàn.
Ở thời điểm này, tức đầu thập niên 2000, màu sắc logo Apple chưa có sự nhất quán cao độ. Hình dáng của nó có thể không đổi, nhưng màu sắc thì khá đa dạng.
Cho đến năm 2007, khi iPhone ra đời.
Vẫn ăn nhập với iPhone
Tiếp đó, vào năm 2013, iOS trải qua một đợt đại tu giao diện, mọi hiệu ứng 3D bị loại bỏ, và logo 3D cũng vậy.
Khi mà iOS chuyển sang thiết kế phẳng hơn, logo hiển nhiên thay đổi theo. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn quay về với một màu đen thuần túy.
Thay vào đó, logo Apple có xu hướng xám bạc. Ngày nay, nó có thể mang màu này, hoặc có thể đen hoàn toàn, tùy thuộc tình huống sử dụng.
Và thỉnh thoảng, Apple lại tìm về quá khứ với logo 6 màu. Chỉ có điều 6 màu lần này không giống 6 màu ngày xưa - chúng khớp vào màu sắc của chiếc iMac 24-inch.
Logo tồn tại gần nửa thế kỷ
Khi được hỏi về cảm nhận đối với việc tác phẩm nguyên bản được thay đổi khá ít kể từ năm 1977, Janoff nói rằng: "Dù logo đã thay đổi qua từng năm, nó vẫn mang hình dáng và ý tưởng cơ bản mà tôi thiết kế nên. Tôi cảm thấy cực kỳ may mắn khi hợp ý với Steve Jobs về vấn đề này"
"Điều đó gióng như nhìn những đứa trẻ của bạn lớn lên và thành công vậy. Tôi cực kỳ tự hào về lũ nhóc của mình - và logo nữa" - ông nói tiếp.
Tham khảo: AppleInsider
https://genk.vn/cau-chuyen-ve-logo-cua-apple-tu-dat-nhat-den-mang-tinh-bieu-tuong-nhat-moi-thoi-dai-20220330103329238.chnTấn Minh
Pháp luật và bạn đọc