Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm lớn nhất vào 3-4 - Ảnh: REUTERS
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nước này ghi nhận tổng cộng 13.146 ca nhiễm trong ngày 2-4 nhưng không có ca tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất ở Trung Quốc kể từ giữa tháng 2-2020.
Biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao đã lan rộng đến nhiều tỉnh của Trung Quốc, làm lung lay chiến lược "Zero COVID" của nước này.
Đợt bùng phát này khiến Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp hạn chế cứng rắn, như áp đặt các đợt phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại, trong khi phần lớn thế giới đã mở cửa trở lại.
Thượng Hải hiện là tâm dịch của đợt bùng phát COVID hiện nay, theo Hãng tin AFP.
Giới chức Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, thừa nhận đang phải vật lộn để kiềm chế sự bùng phát. Các đường phố ở Thượng Hải vắng lặng vào ngày 3-4 do các biện pháp phong tỏa. Ước tính, gần 70% số ca lây nhiễm trên toàn quốc được phát hiện từ việc xét nghiệm hàng loạt thành phố 26 triệu dân này. Nhân viên y tế cũng đang bị quá tải.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã kêu gọi "các động thái kiên quyết và nhanh chóng để ngăn chặn sự lây lan của virus" sau chuyến thăm Thượng Hải, theo hãng tin Tân Hoa xã.
Ban đầu việc phong tỏa thành phố dự kiến chỉ kéo dài trong 4 ngày, nhưng hiện tại có vẻ sẽ kéo dài thêm vài ngày nữa khi các đợt xét nghiệm hàng loạt mới được thực hiện.
Trung Quốc, quốc gia phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đầu tiên vào năm 2019, là một trong số ít những nước tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero COVID - quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng.
Sự bùng phát dịch đã ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, khi nhiều nhà máy đóng cửa và hàng triệu người tiêu dùng buộc phải đặt đồ ăn qua mạng.
Ngoài ra, việc đóng cửa Thượng Hải đe dọa làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khi các dịch vụ vận tải đường bộ có thể bị đình trệ do các biện pháp phòng dịch.
Tuần trước, giám đốc các vấn đề khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cho biết điều quan trọng đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, là phải có kế hoạch giảm thiểu các quy định hạn chế trong đại dịch.
Tuy nhiên, ông cho biết dân số khổng lồ của Trung Quốc là một thách thức đặc biệt đối với hệ thống y tế của nước này và các nhà chức trách sẽ phải "xác định một chiến lược cho phép họ thoát khỏi (đại dịch) một cách an toàn".
TTO - Ngày 1-4, tròn một năm kể từ đợt chuyển lô vắc xin COVID-19 đầu tiên hơn 61 triệu liều tới Việt Nam, người đứng đầu cơ chế tiếp cận vắc xin công bằng COVAX đã chia sẻ những đánh giá trân trọng với chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Việt Nam.