Bến tàu buýt đường sông Sài Gòn nằm bên bờ sông ở TP Thủ Đức - Ảnh: GIA TIẾN
TP.HCM của chúng ta cũng không là ngoại lệ, khi hơn 300 năm trước, chúa Nguyễn đã cho lập phủ Gia Định năm 1698, đặt nền móng hình thành một đại đô thị ngày nay.
Còn nếu tính từ khi chúa Nguyễn cho lập các trạm thu thuế ở Bến Nghé và Sài Gòn vào năm 1623 thì vừa tròn 400 năm, phù hợp với việc đi lại và buôn bán đều bằng đường thủy.
Phát triển đôi bờ
Có thể nói việc giữ lại được cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc và văn hóa sông nước đẹp đẽ vốn có mà sông Sài Gòn mang lại cho TP.HCM hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người dân và chính quyền TP.
Nếu xưa kia do chiến tranh, nghèo nàn lạc hậu nên chúng ta chưa làm được thì ngày nay, với tiềm năng kinh tế, nhận thức của người dân và yêu cầu của phát triển, chắc chắn chúng ta phải đưa sông Sài Gòn trở về với những giá trị vốn có của nó cho dù "chậm còn hơn không".
Việc tiếp tục phát huy các chức năng giao thông thủy, du lịch, khí hậu, thủy văn, thủy lợi, cảnh quan, môi trường... của sông Sài Gòn là đương nhiên.
Ở đây tôi chỉ xin đề cập tới một khía cạnh nhỏ của con sông xinh đẹp là phát triển hai bên bờ sông. Làm được việc này, diện mạo của con sông, môi trường cảnh quan, kiến trúc của thành phố, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện đáng kể.
Chỉ có như vậy, sông Sài Gòn mới có thể sánh vai với sông Thames của London, Seine của Paris, Danube của Budapest, Moskva của Moscow hay Neva của St. Petersburg...
Thành phố chúng ta đã có kinh nghiệm làm các dự án đường ven kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Bến Nghé... gắn với cải tạo môi trường, thu gom nước thải, tổ chức giao thông trên sông và hai bên bờ rất thành công, mang lại diện mạo mới cho thành phố.
Chẳng thế mà vào một chiều tối cuối năm 2017, sau buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cùng đoàn tùy tùng chạy bộ khoảng 5km dọc theo bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Đây từng là những dự án đầy khó khăn của thành phố trong những năm 1990 của thế kỷ trước, khi hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh phải giải tỏa trắng để làm các tuyến đường dọc hai bên bờ kênh gắn với cải tạo dòng kênh, lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm xử lý nước thải.
Ngày đó, ngân sách còn khó khăn, các quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chưa có, nên thành phố phải dùng vốn vay để làm dự án.
Nay thì quy mô nền kinh tế, ngân sách thành phố đã lớn hơn rất nhiều, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội ban hành từ năm 2020, tiềm năng kinh tế, tầm nhìn của các cấp hoạch định chính sách và nhận thức của người dân đã cao hơn rất nhiều những năm xưa nên việc quy hoạch xây dựng, chỉnh trang hai bên bờ sông Sài Gòn suốt dọc chiều dài chảy qua thành phố sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Bên cạnh đó, các luật có liên quan về đất đai, quy hoạch, xây dựng, đô thị, quản lý tài nguyên nước... đã được hoàn thiện thêm một bước cũng tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án này.
Quan trọng là tầm nhìn
Việc đền bù, giải phóng mặt bằng hai bên bờ sông sẽ tạo ra quỹ đất lớn với chênh lệch địa tô cao cần được đấu giá công khai, minh bạch để lấy kinh phí làm hạ tầng dọc theo bờ sông.
Có thể quy hoạch ngay sát sông là các công trình thủy; tiếp đến là dải đất ven bờ - nơi xây dựng các công trình kiến trúc - văn hóa xen lẫn công viên cây xanh, nơi người dân đi dạo, tập thể dục, trẻ em vui chơi; rồi đến dải phân cách, tuyến giao thông bộ và phương tiện cơ giới, có thể cả xe buýt nhanh; rồi lại dải phân cách, vỉa hè cây xanh, tường chống ồn... rồi mới tới các công trình dân dụng, nhà ở bên trong cùng.
Khu vực bến Bạch Đằng, công viên Mê Linh hiện hữu ở khu vực cổ kính của quận 1 là một ví dụ điển hình về quy hoạch bờ sông Sài Gòn và thật ra nó đã tồn tại như vậy ở đó từ thế kỷ 17.
Tới đây, thành phố sẽ triển khai cải tạo nhiều tuyến kênh rạch, trong đó có dự án tuyến rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư dự án hơn 9.300 tỉ đồng.
Hay như siêu dự án đường đại lộ ven sông Sài Gòn dài tới hàng chục kilômet từ khu vực Tân Cảng (quận Bình Thạnh) chạy dọc sông Sài Gòn qua các quận Bình Thạnh, 12 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi nếu được thực hiện sẽ hình thành một trục giao thông mới, kết nối các tuyến đường hiện hữu cũng như các tuyến quốc lộ 13, 1, 22 thực sự thuận tiện, giải tỏa một phần các tuyến xuyên tâm. Dĩ nhiên là quỹ đất bên tuyến sau khi mở đường sẽ có giá trị cao hơn rất nhiều.
Quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn trong quy hoạch trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch có phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng của ngân sách.
Ví dụ như hỗ trợ một phần tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; phù hợp với khả năng tài chính và năng lực quản lý dự án của nhà đầu tư, sự đồng thuận của người dân.
Không thể để mặt tiền sông bị các nhà đầu tư chia cắt, chiếm dụng hay bị các dự án nhà cao tầng che chắn. Dọc các tuyến giao thông ven sông quan trọng này, thành phố sẽ quy hoạch các đô thị "sông nước" mới, hiện đại từ Củ Chi cho tới Cần Giờ.
Thành phố có thể lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp và làm cuốn chiếu theo một kế hoạch thống nhất.
Đó có thể là công việc của 10 - 15 - 20 năm, nhưng phải bắt đầu từ bây giờ. Các dự án này sẽ trở thành những động lực mới cho phát triển thành phố vài chục năm tới theo hướng bền vững, xanh sạch, chủ động thích ứng với kịch bản tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Thế hệ con cháu người dân TP.HCM tương lai đang trông chờ vào quyết sách của thế hệ hôm nay.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - TP.HCM có mạng lưới sông rạch đan xen, dày đặc ít nơi nào so sánh được. Nếu phát huy tối đa chắc chắn đây chính là điểm nhấn, thu hút du khách trong lẫn ngoài nước.
Xem thêm: mth.26885430220402202-coud-mal-at-gnuhc-ohp-hnaht-nog-ias-gnos-neirt-tahp-ek-neih/nv.ertiout