Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết trên truyền hình quốc gia rằng nước này sẽ trả tiền mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp nếu điều đó cần thiết để giữ cho loại hàng hóa quan trọng này tiếp tục lưu thông.
"Nếu có điều khoản thanh toán bằng đồng rúp thì chúng tôi sẽ trả bằng đồng rúp", ông Sulik nói và nhấn mạnh Nga cung cấp 85% tổng nguồn cung khí đốt của nước này. Chính vì thế, nhà chức trách đã có lựa chọn "thực dụng" để tránh viễn cảnh bị Nga khóa van khí đốt.
"Chúng ta không thể bị cắt nguồn cung khí đốt", ông Sulik nói và thúc giục phần còn lại của châu Âu nỗ lực tìm ra một giải pháp chung cho vấn đề.
Gần như toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga sau khi quốc gia này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt đã tác động nặng nề tới Nga trong việc nhận thanh toán từ các đối tác thương mại bằng đồng euro. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã ký sắc lệnh về cơ chế thanh toán tiền mua khí đốt mới bằng đồng rúp.
Mặc dù một số nước coi quy định của Nga là đi ngược lại các hợp đồng mua khí đốt hiện tại nhưng cơ chế này không làm thay đổi đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán. Theo đó, người mua cần mở tài khoản bằng đồng rúp với Ngân hàng Gazprombank của Nga. Họ có thể chuyển euro vào và ngân hàng sẽ tự động đổi sang đồng rúp để thanh toán cho nhà cung cấp Gazprom.
Điện Kremlin cũng đã nhấn mạnh rằng thực tế sẽ không có gì thay đổi với các công ty châu Âu đang nhập khẩu năng lượng Nga. Họ sẽ thanh toán như trước đây bằng đồng euro, cùng loại tiền tệ được ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, người bán, nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga, sẽ nhận tiền bằng đồng rúp. Ngân hàng Gazprombank không nằm trong diện bị EU trừng phạt.
Tuy nhiên, ngay cả khi Moscow đã lên tiếng giải thích, nhiều người tỏ ra bối rối trước sự thay đổi này. Phản ứng ban đầu chủ yếu là phản đối khi các quốc gia đều tuyên bố họ sẽ không trả tiền mua năng lượng Nga bằng đồng rúp. Dẫu vậy, họ không cần phải đổi sang đồng rúp để đáp ứng các khoản thanh toán.
Dù chấp thuận việc thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp nhưng Bộ trưởng Kinh tế Slovakia cùng với một số chính trị gia châu Âu khác cho rằng tình hình hiện nay đòi hỏi phải đa dạng các nhà cung cấp. Tuy nhiên, tất cả đều hiểu rằng việc tìm kiếm một nhà cung cấp thay thế Nga là điều không thể thực hiện trong một sớm, một chiều.
Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và khoảng 30% nhu cầu dầu thô. Mạng lưới cung cấp khí đốt của châu Âu chưa ngay lập tức sẵn sàng cho việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu năng lượng khác cũng không thể ngay lập tức bù đắp lượng dầu và khí đốt cần thiết khi EU quay lưng với Nga. Họ cũng không sẵn sàng cho điều ấy.
Động thái của Slovakia đi ngược hoàn toàn với những gì mà Lithuania đã làm. Hôm 2/4, quốc gia này cho biết họ đã đình chỉ mọi hoạt động mua khí đốt tự nhiên của Nga khi Moscow thay đổi chính sách tính tiền. Đây là quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) "cai nghiện" năng lượng Nga.
Tham khảo: RT
http://tintuc.vdong.vn/04/1299411.htm