Binh lính được triển khai trên đường phố ở Colombo ngày 3-4 - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-4, Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Dinesh Gunawardena của Sri Lanka xác nhận 24 bộ trưởng đã nộp đơn từ chức sau một cuộc họp của nội các vào khuya ngày 3-4, giờ địa phương.
Động thái này mở đường cho Tổng thống Rajapaska bổ nhiệm nội các mới, trong đó có thể bao gồm một số người đã từ chức.
Chính quyền ông Rajapaska đang đứng trước áp lực phải nhanh chóng hành động để xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác, cũng như lạm phát kỷ lục và mất điện trầm trọng.
Phe đối lập Samagi Jana Balawegaya cuối tuần qua đã chỉ trích việc chặn mạng xã hội để ngăn biểu tình và kêu gọi chính phủ từ chức. Trước đó, chính quyền ông Rajapaska đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp lệnh giới nghiêm trong 36 giờ tính đến sáng 4-4.
Tuy nhiên biểu tình vẫn nổ ra ở nhiều thành phố bất chấp giới nghiêm. Theo Hãng tin Reuters, nhiều cuộc tuần hành quy mô nhỏ diễn ra ở thủ đô Colombo ngày 3-4 trong khi tại thành phố Randy cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.
"Chúng tôi không cần chính phủ này nữa. Họ đã có nhiều năm để cho thấy họ có thể thay đổi nhưng chẳng có gì xảy ra. Tình hình ngày càng tệ hơn. Chúng tôi thật sự cần thay đổi... mọi người đã quá chán ngán rồi", một người biểu tình ở Colombo nói.
Những ý kiến chỉ trích cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Sri Lanka là do các quyết sách sai lầm của chính quyền, việc vay nợ nước ngoài liên tục trong thời gian dài.
Sri Lanka đang vật lộn với khoản nợ nước ngoài khổng lồ, lên đến 51 tỉ USD, trong khi thất thu từ du lịch và kiều hối do đại dịch COVID-19. Là một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu, nước này không thể chi trả nổi cho các mặt hàng thiết yếu.
Tình trạng thiếu hụt dầu diesel gây ra nhiều cuộc biểu tình tại các cây xăng trên khắp Sri Lanka trong khi các công ty điện lực đang áp dụng biện pháp cắt điện 13 giờ mỗi ngày để tiết kiệm nhiên liệu.
TTO - Khủng hoảng kinh tế đã trở thành cơn ác mộng thật sự với Sri Lanka khi tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm trầm trọng làm bùng nổ các cuộc biểu tình ở đảo quốc này, buộc chính quyền phải ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.
Xem thêm: mth.95333300140402202-cuhc-ut-aknal-irs-cac-ion-ob-naot/nv.ertiout