Ngành hàng không quốc tế đã tạo ra 87,7 triệu việc làm trong năm 2019, đóng góp 4,1% GDP toàn cầu, là một trong những động lực chính đối với sự phát triển của thế giới, kết nối các quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, ngành hàng không đóng vai trò kết nối giữa nước ta với thế giới, trực tiếp thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó, ngành du lịch đóng góp 8,8% GDP của đất nước.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thị trường hàng không quốc tế vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường hàng không trong nước cũng ảnh hưởng. Tuy nhiên với sự nỗ lực của các hãng hàng không cùng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không và các cơ quan quản lý… thị trường hàng không Việt Nam đã dần hồi phục những bước đầu tiên vào cuối năm 2021 với việc khai thác trở lại tất cả các đường bay, tăng tần suất phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người dân dịp cuối năm. Các hãng hàng không cũng đã và đang nỗ lực tối đa để đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách đồng thời thay đổi, nâng cấp và hoàn thiện các hoạt động khai thác, phục vụ để mang đến những trải nghiệm bay an toàn, thuận tiện tối đa.
Tương tự với các đường bay quốc tế thường lệ, các hàng hàng không Việt Nam cũng đã bắt đầu nối lại các đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022 với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore… Những động thái tích cực trên góp phần củng cố niềm tin vào bức tranh sáng hơn của ngành hàng không trong năm mới, dẫn đầu làn sóng phục hồi, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam và thế giới trở lại trong tương lai.
"Tiếp nối đà phục hồi trong năm 2021, ngành hàng không toàn cầu bước sang năm mới 2022 với sự lạc quan về triển vọng phát triển, dự báo sẽ tăng trưởng 47%, khi những biện pháp hạn chế liên quan đến biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 dần được nới lỏng hoặc loại bỏ. Dù vậy, giới phân tích cũng cho rằng, ngành Hàng không toàn cầu trong năm nay vẫn cần có những điều chỉnh mang tính chiến lược nhằm thích ứng với diễn biến khó lường của dịch bệnh", ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM chia sẻ tại họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam 2022 (VIAExpo 2022) mới đây.
Số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy, lưu lượng hành khách ngành hàng không năm 2021 đã phục hồi ở mức 42% so với năm 2019. Du lịch nội địa dẫn đầu sự phục hồi lưu lượng hành khách, hiện chỉ thấp hơn 28% so với năm 2019, trong khi du lịch quốc tế phục hồi chậm hơn, vẫn thấp hơn 75,5% so với trước đại dịch.
Một điểm sáng nằm ở lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không tăng 18,7% so với năm 2020 và tăng 7% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch), trở thành nguồn thu quan trọng hiện nay cho các hãng hàng không. Theo các khảo sát mới đây, tỷ lệ phi công thất nghiệp đã giảm từ 30% xuống 20%.
Dù nhu cầu đi lại bằng đường hàng không lúc này vẫn thấp hơn so với trước đại dịch, nhưng năm 2022 có nhiều dấu hiệu tích cực khi "một số hạn chế phòng dịch Covid-19, nếu không muốn nói là tất cả, đang bắt đầu được nới lỏng hoặc loại bỏ". Theo Cirium - đơn vị phân tích hàng không toàn cầu tại London (Anh) - dự báo, ngành Hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng 47% trong năm 2022. Trong đó, du lịch hạng phổ thông và cao cấp trên các tuyến quốc tế sẽ phục hồi với tốc độ tương tự năm 2021, trong khi phân khúc du lịch đường dài sẽ phục hồi khá mạnh. Triển vọng vận tải hàng hóa được kỳ vọng tiếp tục khả quan.
Chính phủ các nước đã có những chiến lược "giải cứu" nhất định để hỗ trợ các hãng hàng không. Tính đến cuối năm 2020, chính phủ các nước đã hỗ trợ các hãng hàng không hơn 200 tỷ USD và tiếp tục "bơm" thêm khoảng 80 tỷ USD. Một số hình thức hỗ trợ cụ thể đã được triển khai như hỗ trợ tài chính (cho vay để trả lương như với các hãng hàng không của Mỹ, hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi); hỗ trợ chính sách (các chính sách xúc tiến phục hồi kinh tế, du lịch như ở Nhật Bản, Hàn Quốc... hay miễn giảm thuế sân bay, giảm thuế nhiên liệu tại Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc); hỗ trợ về các chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc các khoản nợ và thậm chí bảo hộ phá sản (như đối với hãng hàng không Thai Airways của Thái Lan, Virgin Atlantic Airlines của Anh...).
Tại Việt Nam, các hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành hàng không bao gồm: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho năm 2021; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ khó khăn về vốn...
Tuy nhiên, giới chuyên môn cảnh báo, giá nhiên liệu máy bay và chi phí nhân công tăng, tình trạng thiếu lao động sẽ là những mối đe dọa chính với ngành Hàng không toàn cầu năm nay. Tháng 1/2022, giá nhiên liệu máy bay trung bình - yếu tố chi phối chi phí của các hãng hàng không, đã tăng lên mức khoảng 101 USD/thùng, cao hơn đáng kể so với mức 77,8 USD/thùng mà IATA dự báo hồi tháng 10-2021. Giới phân tích cũng cho rằng, giá nhiên liệu máy bay tăng sẽ tác động lớn tới giá vé máy bay trong năm 2022. Southwest Airlines (Mỹ) còn cho biết, chi phí quý 1/2022, chưa bao gồm nhiên liệu, đã tăng từ 20% đến 24% so với năm 2019, cao hơn ước tính trước đó là tăng 10% đến 14%.
Cùng với đó, vấn đề nhân sự tiếp tục là thách thức, trong bối cảnh lượng lớn nhân viên lành nghề đã nghỉ việc khi các hãng hàng không tái cơ cấu để ứng phó khó khăn. Tình trạng lây nhiễm Covid-19 và các quy định tạm trú nghiêm ngặt ở nhiều nước cũng buộc phi hành đoàn phải ở lại trong khách sạn khi không có chuyến bay, làm trầm trọng tình trạng thiếu nhân lực.
Đáng chú ý, không ít dự báo đã chỉ ra điểm yếu của ngành Hàng không toàn cầu năm nay có thể là khu vực châu Á - Thái Bình Dương - nơi "bị bỏ lại phía sau" so với các khu vực khác do các đợt đóng cửa biên giới vừa qua. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh, với tỷ lệ phi công thất nghiệp tăng từ 23% lên 25%, tỷ lệ phi công được bay chỉ đạt 53% trong năm vừa qua. Nhiều hãng hàng không trong khu vực vẫn chật vật, điển hình là Cathay Pacific Airways (Trung Quốc) đã đóng cửa gần như tất cả văn phòng ở nước ngoài khi đại dịch bùng phát. Các nguồn thống kê cũng cho thấy, trong khi lượng hành khách khu vực Bắc Mỹ đã khôi phục, nhưng nhìn chung phần còn lại của thế giới, đặc biệt là nhóm nước đang phát triển, vẫn gặp trở ngại đi lại do việc tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 còn khó khăn.
Dù đứng trước tương lai khả quan, ngành Hàng không toàn cầu năm 2022 vẫn cần cẩn trọng cũng như ứng phó kịp thời trước những nguy cơ. Giới phân tích cho rằng, cần có điều chỉnh mang tính chiến lược nhằm thích ứng với những biến động và xu hướng mới trong lĩnh vực vận tải hàng không trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường.
Trong bối cảnh khủng hoảng của ngành hàng không trên thế giới và Việt Nam do tác động của đại dịch Covid-19, nhằm cập nhật thông tin, đánh giá triển vọng và khả năng phục hồi, đồng thời tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu và hợp tác đầu tư - kinh doanh giữa các doanh nghiệp và đối tác ngành hàng không Việt Nam và quốc tế, VAE được kỳ vọng giúp thúc đẩy sự giao thương trở lại của hàng không Việt Nam với ngành hàng không toàn cầu, đồng thời, góp phần gắn kết hợp tác kinh doanh, mở ra cơ hội phục hồi thời kỳ sau đại dịch.
https://cafef.vn/dai-dien-vcci-bat-chap-the-gong-kiem-gia-nguyen-lieu-tang-va-thieu-hut-nhan-su-nganh-hang-khong-du-se-tang-truong-47-trong-nam-2022-20220402194755256.chnTheo Bảo An
Doanh nghiệp và Tiếp thị