Ngày 31-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua sắc lệnh chính thức yêu cầu các nước trong danh sách “không thân thiện” mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp, theo hãng tin Reuters. Quyết định này nhắm đến các nước châu Âu – đối tác nhập khẩu lượng lớn khí đốt của Nga và đang thanh toán bằng đồng euro và đồng USD.
Hiện các chính phủ châu Âu và các công ty năng lượng vẫn bác bỏ ý tưởng này, với lý lẽ rằng các hợp đồng nhập khẩu khí đốt đã xác định tiền tệ thanh toán và một bên không thể thay đổi nó trong một sớm một chiều, và vẫn giữ ý định tiếp tục thanh toán bằng đồng euro và đồng USD.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp ở Moscow (Nga) ngày 31-3. Ảnh: REUTERS
Liên quan vấn đề này, hiện có nhiều băn khoăn: tại sao Nga yêu cầu như vậy, việc này có thể được thực hiện như thế nào, và liệu Nga có thực hiện được yêu cầu này hay không.
Tại sao lại chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp?
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, nhằm vào hệ thống tài chính của nước này. Theo ông Putin, các quyết định mà ông cho là bất hợp pháp của một số quốc gia phương Tây nhằm đóng băng tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin vào tiền tệ của Nga.
Xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn chưa trở thành nạn nhân của các hạn chế từ phương Tây, nhưng gần như tất cả các hợp đồng mua khí đốt được tính bằng đồng euro hoặc USD, điều này khiến chúng trở thành mục tiêu tiềm năng. Nhưng nếu Nga được trả bằng đồng rúp, xuất khẩu khí đốt của nước này có thể tránh được nguy cơ bị trừng phạt, theo đài RT.
Việc Nga yêu cầu trả tiền khí đốt bằng đồng rup có ý nghĩa gì đối với đồng USD, đồng euro, và bản thân đồng rúp?
Điều này sẽ tiếp tục củng cố đồng rúp và làm suy yếu thêm đồng USD và đồng euro, theo RT.
Sự thống trị của đồng USD với tư cách là tiền tệ dự trữ toàn cầu có thể bị tổn hại. Sức mạnh của đồng USD đến từ việc gắn liền với thương mại toàn cầu về dầu mỏ và các mặt hàng khác. Đồng euro cũng phải đối mặt với một thách thức tương tự nhưng ở mức độ thấp hơn, tuy nhiên nhu cầu về đồng tiền này ít hơn đồng nghĩa với việc vị thế của đồng tiền này trong rổ tiền tệ dự trữ toàn cầu bị suy yếu.
Trong khi đó, vai trò của đồng rúp trong thương mại quốc tế sẽ gia tăng và được củng cố, vì có được hỗ trợ từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Nga. Cùng với sự hỗ trợ này và nhờ nhu cầu ngày một tăng về năng lượng, có khả năng ngày nào đó đồng rúp có thể trở thành một loại tiền tệ lớn trên toàn cầu. Trước mắt, thông báo chuyển đổi thanh toán bằng đồng rúp đã đẩy tỉ giá đồng tiền này lên mức cao nhất trong ba tuần.
Việc thanh toán bằng đồng rúp có thể được xử lý như thế nào?
Theo cơ chế do ông Putin chỉđịnh, bên mua sẽ sử dụng tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán. Gazprombank sẽ thay mặt bên mua khí đốt thực hiện giao dịch mua đồng rúp vào và chuyển đồng rúp sang một tài khoản khác để thanh toán.
Các nhà nhập khẩu đang bối rối trước yêu cầu của Nga phải thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp thay vì đồng euro hay đồng USD như trước đây. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo RT, ngân hàng trung ương của Nga có thể bán đồng rúp cho bên mua khí đốt hoặc các nước có thể mua tiền tệ trên thị trường mở.
Liệu Nga có buộc được các nước phương Tây nhượng bộ?
Hãng tin AP dẫn ý kiến một số nhà kinh tế cho rằng động thái này của Nga dường như được thiết kế trong nỗ lực hỗ trợ đồng rúp, vốn bị mất giá nhiều so với các đồng tiền khác kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và bị các nước phương Tây trừng phạt sâu rộng. Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck còn lưu ý rằng Nga cần đồng rúp để chi tiêu cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, chẳng hạn chi các khoản thanh toán cho quân đội.
Song nhiều nhà phân tích bày tỏ nghi ngờ rằng động thái này sẽ mang lại hiệu quả theo mong muốn của Nga.
Nhiều nhà quan sát cho rằng có khả năng châu Âu sẽ phải nhượng bộ để đảm bảo lợi ích của mình. Theo phân tích của RT thì khí đốt Nga được sử dụng ở châu Âu cho nhiều mục đích khác nhau, từ sưởi ấm và nấu ăn đến cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp. Mua ít khí đốt hơn từ Nga đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa trên thị trường mở. Điều này dẫn đến việc các ngành công nghiệp và các hộ gia đình phải chịu chi phí cao hơn, các mặt hàng tiêu dùng tăng giá, và kéo theo suy thoái.
Tuy nhiên ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng và giám đốc điều hành tại công ty tư vấn kinh tế High Frequency Economic (Mỹ) cho rằng chuyện Nga cắt khí đốt nếu châu Âu không thanh toán bằng đồng rúp là không thể xảy ra. Lý do vì chuyện ngừng hệ thống khai thác không đơn giản và dung lượng lưu trữ sẽ đầy rất nhanh, nên Nga không thể ngừng vận chuyển sản phẩm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các nước nhập khẩu từ chối thanh toán bằng đồng rúp?
Trong trường hợp này, các nước sẽ không thể mua khí đốt của Nga, vì bất kỳ loại tiền tệ nào khác sẽ không được chấp nhận.
Theo AP, nếu điều này xảy ra thì khả năng lớn kinh tế và xã hội các nước châu Âu sẽ chịu biến động, cả tài chính của Nga cũng sẽ bị tổn hại. Châu Âu phụ thuộc 40% khí đốt và 25% dầu từ Nga, tuy nhiên Nga cũng phụ thuộc tài chính vào châu Âu khi đây là hai nguồn thu chính của nước này.
"Các quốc gia không thân thiện" của Nga là những nước nào? Danh sách "các quốc gia không thân thiện" của Nga - ban đầu chỉ gồm hai nước Mỹ và Cộng hòa Czech - đã được mở rộng đáng kể vào tháng 3 sau các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây đối với Moscow. Thời điểm này, danh sách bao gồm tất cả các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Ukraine, Anh, Canada, Nhật và nhiều nước khác - những quốc gia đã lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tất cả các quốc gia đó hiện phải chịu nhiều biện pháp trả đũa, hạn chế và nhiều yêu cầu từ Nga, trong đó có việc phải thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp. Ngoài ra, Bộ Tài chính Nga còn yêu cầu các công ty Nga muốn làm việc với các công ty từ các nước trong danh sách “không thân thiện” phải nhận được sự cho phép từ chính phủ trước. |