Tác giả thuở thơ ấu và mẹ Loan của mình ở Pháp - Ảnh: tác giả cung cấp
Kể từ khi anh trai tôi đi tập karate hai lần trong tuần, anh trở nên tự tin hơn hẳn. "Nếu có đứa nào gây sự - anh thường lẩm nhẩm đe dọa - Anh sẽ đốn gục nó ngay!". Giá mà tôi cũng có thể có nhiều sự tự tin như vậy, tôi thầm nghĩ.
Sức mạnh tiềm ẩn
Mẹ Loan bị thuyết phục một cách dễ dàng. Vì tôi thường chăm chỉ giúp bà nên bây giờ tôi được phép đi cùng Daniel để tập thể thao. Và chỉ vì quý mến Daniel - là một người lai Âu-Á, anh trai tôi là một trong những học sinh yêu thích nhất của thầy dạy võ - ông có một ngoại lệ là cho phép tôi được học miễn phí và là học trò nữ duy nhất trong nhóm nhỏ nam sinh của ông.
Sau tiết học đầu tiên, mọi người đã hiểu rõ rằng tôi không cần một sự đối xử đặc biệt nào. Sau mấy vòng khởi động thông thường, bạn tập của tôi yêu cầu tôi dùng tay đâm vào người anh ta.
Trong phòng im như tờ. Dưới con mắt chăm chú của thầy giáo và cái nhìn nghi hoặc của anh trai, tôi dùng hai tay tấn vào ngực chàng trai một cách thận trọng vì sợ làm anh ta bị đau. Anh ta hầu như không động đậy, cười lớn và nói: "Tôi đã bảo cô là đâm mà! Đừng có mà vuốt ve như đàn bà! Hãy chỉ cho tôi xem cô làm được gì, còn nếu không thì ở nhà chơi với búp bê nhé".
Khi tôi nghe điều này, trong tích tắc có một bộ phim đã chạy trong đầu tôi. Tôi chợt nhớ đến các động tác mẹ Loan đã dạy cho tôi nhiều năm trước mà chưa bao giờ tôi có dịp ứng dụng, đặc biệt là kỹ thuật đâm bằng hai ngón tay đặc biệt có hiệu quả.
"Trong một cuộc chiến, hãy luôn kiểm soát tinh thần của mình trước lúc giải phóng nó!", đó là lời của mẹ. "Hãy để cho sức mạnh tuôn chảy, bởi vì đôi tay là vũ khí của con!". Rồi tôi nghĩ đến bố và tất cả những đau khổ mà ông đã gây ra cho tôi.
Ý nghĩ này làm bùng lên trong tôi một cơn thịnh nộ khủng khiếp mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ cảm thấy. Một cơn thịnh nộ ứ tràn đến tận các đầu ngón tay.
Không hề cân nhắc hay cảnh báo trước, tôi đâm hai ngón tay cứng như bêtông vào bụng kẻ thách thức mình trong nháy mắt. Tôi thấy anh ta gục xuống vì kinh hãi. Anh nằm ngửa như con bọ, khom người, thở hổn hển không ra hơi.
Mấy phút dài trôi qua trước khi anh ta hoàn hồn trở lại. Mọi người chằm chằm nhìn tôi. Thầy giáo bình luận về sự việc bằng câu: "Các em phải lưu ý: Karate bắt đầu bằng sự tôn trọng và kết thúc bằng sự tôn trọng!".
Hai năm tiếp theo đó đã thực sự thách thức khả năng chịu đựng của tôi. Bên cạnh niềm vui tuyệt vời mà môn thể thao này mang đến, tôi không thể tránh được việc bị đau đớn. Đánh, đẩy, đá, chặn, bóp nghẹt và đẩy lùi là các kỹ thuật karate cơ bản. Không có tuần nào trôi qua mà trên người tôi không có vết bầm tím.
Do động tác phòng thủ sai hoặc đánh trượt vào tấm bảo vệ hạ bộ bằng chất cứng của bạn tập, tôi liên tục phải chịu những hậu quả như ngón chân bầm tím, ống chân bị tấy hoặc nắm tay bị sưng vù.
Tôi muốn khám phá sức mạnh của mình, kiểm soát và học cách sử dụng nó. Tôi muốn trở nên mạnh mẽ!
Nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng hoa cho tác giả trong buổi ra mắt sách ở TP.HCM ngày 19-3 - Ảnh: NGUYỄN Á
Bước cuối cùng
Tất nhiên, tất cả những điều này đều là cái gai trong mắt bố tôi. Ông không chỉ tiếp tục làm nhơ bẩn cơ thể và cướp đi giấc ngủ của tôi, mà còn tiếp tục cuộc thập tự chinh chống lại tôi không thương tiếc. Một ngày nọ tình huống trở nên hoàn toàn mất kiểm soát khi bố tôi xông vào bếp và đột ngột tát tôi...
Tôi ngồi lại, kinh hoàng vì bị đánh đập, nhưng trên hết là choáng váng bởi sự can thiệp vô liêm sỉ mới vào quyền riêng tư của mình. Từ trước đến nay, trong những tình huống như thế này tôi luôn cố gắng để nghe theo lời dặn của mẹ: "Hãy kính trọng bố mẹ, vì họ đã cho ta cuộc sống!".
Nhưng làm sao tôi có thể thể hiện sự nể vì và tôn trọng đối với một người mà bản thân không hề tôn trọng ai, đối với một kẻ thù ghét con người liên tục xúc phạm và làm nhục tôi, đối với một người đàn ông không chỉ dừng lại ở việc làm vấy bẩn tôi như là con điếm riêng của ông ta, mà bên cạnh việc thống trị cơ thể còn muốn giành cả quyền thống trị tinh thần của tôi.
Tôi dậy lúc mười hai giờ rưỡi đêm. Quyết định của tôi đã được đưa ra. Mẹ Loan ơi, hãy tha thứ cho con, tôi nghĩ khi nhẹ nhàng đóng cửa. Nhưng con không đủ sức để chấp nhận mọi thứ như mẹ. Xin hãy tha thứ vì nỗi đau mà con sẽ gây ra cho mẹ.
Đường ray lạnh cóng như băng khi tôi nằm xuống. Tôi không màng đến điều đó nữa. Cuộc đời tôi đã thất bại. Mười bảy năm vô ích. Thỉnh thoảng lại có tiếng sột soạt trong bụi cây và những ý nghĩ kỳ lạ nhất ám ảnh tôi trong khi chờ đợi.
Liệu tôi có nên, như trong một số bộ phim, áp tai vào đường ray để tìm hiểu xem liệu cái chết đã gần kề? Điều gì sẽ xảy ra nếu trước đó một vết rắn cắn sẽ giải thoát cho tôi khỏi cuộc sống? Hoặc nếu qua đó tôi chỉ bị lên một cơn sốt và sẽ sống sót?
Một đoàn tàu chạy qua là giải pháp duy nhất. Có hàng chục chuyến tàu chạy ngang qua đây mỗi ngày, chính xác là năm mươi tư chuyến trong hai mươi bốn giờ. Hy vọng chuyến tàu tốc hành từ Paris sẽ đến, đó là mong ước của tôi.
Tôi không muốn bị đụng phải một đầu máy chạy chậm và phải chịu đựng đau đớn trong một thời gian dài. Nhiều phút trôi qua với cảm giác thờ ơ và tuyệt vọng xen lẫn nhau. Một quãng thời gian không muốn kết thúc.
Vào khoảng năm giờ rưỡi, sau khi vẫn chưa bị rắn cắn hay bị tàu hỏa cán, tôi đứng dậy, kiệt sức, nản lòng và rối trí. Run lẩy bẩy vì lạnh, tôi trở về nhà. Ngay sau đó, bố mẹ đã dậy. Bố bật đài, và qua đó tôi biết rằng công đoàn đường sắt đã kêu gọi một cuộc đình công không báo trước. Tin này giống như một thông điệp gửi trực tiếp cho tôi. Nó có nội dung: "Cậu không thấy mình mạnh mẽ như thế nào ư? Cậu phải sống!".
Tôi kiệt sức và hoàn toàn bị xáo trộn trong tâm can. Tôi không thể thoát được cảm giác rằng cuối cùng có ai đó ở trên cao đã nghe được lời than oán của tôi về số phận tồi tệ mà cuộc đời đã dành cho tôi cho đến nay. Liệu cuối cùng tôi có cơ hội cho một vai trò khác, một cuộc sống mới hay không? Cho một khởi đầu mới?
Có một câu nói cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi: Cậu mạnh mẽ như mẹ Loan, vì giống như bà, cậu đã mấy lần can đảm nhìn thẳng vào cái chết. Cậu đã học cách đấu tranh vì những mục tiêu của mình, tại sao cậu không kháng cự chống lại những gì cậu không muốn?
Đó chính xác là những gì tôi đã nói với chính mình, khi bố tôi chặn đường tôi trên hành lang ngay sau đó, với nụ cười khả ố trên môi. Lần đầu tiên tôi khước từ ông ta. Như bị kích thích, ông ta tiếp tục sờ soạng tôi. Đột nhiên tôi túm lấy cánh tay ông và đẩy nó vào tường, sẵn sàng dạy cho ông ta một bài học.
Ngạc nhiên và tức giận trước sự phản kháng của tôi, ông ta cố đẩy tôi lại. Tôi đã không cho ông ta một cơ hội nào. Tôi đã vận dụng một động tác siết cổ và kẹp chặt ông ta. Ông kêu hộc lên một tiếng. Tôi tự nhủ chẳng phải vô cớ mà mình đã phải chịu bao vết bầm tím trong hai năm. Chẳng phải vô cớ cái chết đã quay lưng lại với tôi. Chín năm lạm dụng đã đủ.
Tôi siết cổ ông ta. "Tôi thề một điều với ông - sau đó tôi đe dọa bằng một giọng không cho phép một mảy may nghi ngờ - Nếu ông chạm vào người tôi một lần nữa, tôi sẽ giết ông!".
Ông ta gật đầu. Tôi buông ông ta ra.
Mặt đỏ sậm, tay xoa cổ, bố tôi khàn khàn nói: "Nhưng chúng ta là bạn mà...".
"Không", tôi đáp, tức giận và lạnh lùng. "Và chúng ta sẽ không bao giờ là bạn!".
Từ đó trở đi ông ta để cho tôi yên. Mãi mãi. Tôi đã được tự do. Tự do!
********
Chị gái tôi nói với tôi: "Em cứ thư thả, đừng lo lắng. Trước hết, hãy tận hưởng tự do đã".
>> Kỳ 5: Đi tìm tình yêu
TTO - Tôi đi học, vật lộn với tiếng Đức và chẳng mấy chốc đã theo kịp cả lớp. Tôi gặp được ân nhân đã rộng lòng yêu thương, chăm sóc cho tôi ăn học. Vậy nhưng, địa ngục vẫn theo đuổi...
Xem thêm: mth.69135300230402202-od-ut-yah-iod-couc-cuht-tek-4-yk-gnaoh-gnouhp-mihc-auc-iag-noc/nv.ertiout