Dù số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã suy giảm dần sau lần đạt đỉnh hồi tháng 1, số ca nhiễm mới tại nhiều khu vực hiện đang có dấu hiệu gia tăng trở lại do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2 của Omicron.
Điểm đặc biệt ở đợt bùng phát lần này chính là những khu vực chứng kiến sự gia tăng đột biến trở lại của số ca nhiễm mới - như New Zealand, Hàn Quốc hay Hong Kong - lại những nơi từng kiểm soát tình hình dịch tốt nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Tỉ lệ số ca nhiễm mới ở những khu vực này hiện đang vượt xa nhiều nước châu Âu ở giai đoạn tồi tệ nhất, mặc dù thực tế người dân những nơi này luôn tuân theo các biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt, bao gồm cả việc kiểm soát biên giới chặt chẽ.
Vậy tại sao những biến thể mới lại có khả năng lây nhiễm cao có ảnh hưởng lớn hơn ở những nơi phòng chống dịch cẩn thận hơn?
Nhiều khu vực ở TP Thượng Hải đã bị phong tỏa vào ngày 28-3 khi số ca nhiễm COVID-19 trong thành phố tăng trở lại. Ảnh: AFP
Khả năng miễn dịch sau nhiễm là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất
Theo ông Paul Hunter, GS Y khoa tại ĐH East Anglia (Anh), yếu tố có ảnh hưởng nhất đến quá trình kiểm soát dịch bệnh chính là khả năng miễn dịch được tạo ra từ vaccine hoặc sau khi nhiễm bệnh. Sự kết thúc của đại dịch ở bất kỳ quốc gia nào sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ những người đã nhiễm COVID-19 chứ không chỉ phụ thuộc tỉ lệ được tiêm chủng.
Ở những người đã được tiêm chủng, một khi bị nhiễm, khả năng miễn dịch của họ sẽ cao hơn. Trên thực tế, khả năng miễn dịch sau khi mắc bệnh hiện nay mang lại sự bảo vệ tốt hơn trong việc chống lại nguy cơ tái nhiễm trong tương lai, so với khả năng miễn dịch từ vaccine và cả mũi tiêm tăng cường.
Điều này giúp giải thích tại sao một số quốc gia hiện đang xử lý các ổ dịch tốt hơn những quốc gia khác vẫn phải giữ những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Tại Anh, bên cạnh tỉ lệ tiêm chủng cao, đa số người dân nước này hiện nay đều đã mắc COVID-19, nhiều người thậm chí còn nhiễm COVID-19 hơn một lần. Hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Anh vẫn cao, song không cao như ở một số khu vực khác, và tỉ lệ tử vong cũng như ca nhiễm nặng ở nước này vẫn ở mức tương đối thấp.
Trong khi đó, những quốc gia áp dụng biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt lại đang chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm và tử vong khi mở cửa trở lại, ngay cả khi những nước này có tỉ lệ bao phủ vaccine cao. Việc người dân ở những khu vực này chưa từng bị nhiễm COVID-19 trước đây có nghĩa là khả năng miễn dịch cộng đồng thấp hơn.
Một gia đình ôm nhau khi đứng trước bức tường tưởng niệm những nạn nhân qua đời vì COVID-19 ở London (Anh) ngày 29-3. Ảnh: AP
Việc tiêm vaccine vẫn rất quan trọng
Mặc dù Hong Kong và New Zealand đều đang phải đối mặt tình trạng số ca nhiễm tăng cao trong thời gian gần đây, tuy nhiên tác động của việc này đến tình hình sức khỏe cộng đồng ở hai nơi lại khác nhau đáng kể.
New Zealand, với tỉ lệ bao phủ vaccine cao cùng việc đa số người dân đều đã được tiêm mũi tăng cường, số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này vẫn ở mức thấp cho đến nay.
Trong khi đó, Hong Kong đã ghi nhận nhiều ca tử vong hơn, với tỉ lệ tử vong trong một tháng ở trên mức một triệu người, tính đến ngày 1-3, cao gấp 38 lần so với New Zealand.
Sự khác biệt giữa New Zealand và Hong Kong nằm ở chính chiến dịch tiêm chủng của cả hai. Ở Hong Kong, ít nhất cho đến cuối tháng 2, tỉ lệ tiêm mũi tăng cường ở nơi này thấp hơn nhiều so với New Zealand và đặc biệt thấp ở các nhóm người tuổi lớn và dễ bị phơi nhiễm hơn.
Ngay cả mức độ bao phủ liều vaccine thứ hai ở nhóm người cao tuổi tại Hong Kong cũng thấp hơn nhiều so với New Zealand, dẫn đến việc số ca mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn.