Giá dầu thế giới đã điều chỉnh giảm sau khi đạt mức cao kỷ lục 147,27 USD/thùng do triển vọng tiêu thụ năng lượng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các dữ liệu của Mỹ gần đây cho thấy nhu cầu về dầu vẫn sẽ mạnh mẽ trong năm 2022 trong bối cảnh trữ lượng dầu tồn kho có xu hướng giảm.
Sản lượng dầu trong các kho dự trữ của Mỹ hiện ở mức thấp hơn nhiều so với mức được ghi nhận trước đại dịch Covid-19 và thấp nhất kể từ năm 2018.
Việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19 có thể tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn duy trì triển vọng lạc quan trong năm 2022. Theo báo cáo về thị trường dầu hằng tháng của OPEC (MOMR), dữ liệu có sẵn mới nhất của Mỹ cho thấy nhu cầu về dầu đang tăng mạnh.
Kỳ vọng về nhu cầu sử dụng dầu cao có thể khiến OPEC và các đối tác (OPEC+) duy trì lộ trình sản xuất như hiện tại. Cụ thể, theo Reuters, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, cao hơn so với 400.000 thùng/ngày mà khối này thông báo những tháng trước. Trong giai đoạn từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022, các thành viên OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, nâng tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.
Theo đài RT, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được Ả Rập Saudi và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác tăng sản lượng trong bối cảnh các nước thành viên NATO cắt giảm nguồn cung dầu từ Nga sau khi chính quyền Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Người dân Iraq mua sắm tại TP Mosul hôm 31-3 trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa như dầu ăn và lúa mì tăng vọt Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết sản lượng dầu của nước này đã tăng trở lại mức trước khi Mỹ từ bỏ thỏa thuận về chương trình hạt nhân và tái áp dụng biện pháp trừng phạt cứng rắn vào năm 2018.
Thông tin này được đưa ra vài tuần sau khi ông Owji tuyên bố Iran đã nỗ lực xuất khẩu dầu bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất và không cần chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán ở thủ đô Vienna - Áo.
Ông Owji đã đề cập các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) 2015 về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời cho rằng bằng cách tăng sản lượng và đạt lợi ích xuất khẩu, nước này có thể gia tăng đòn bẩy trong các cuộc thương lượng với phương Tây.
Ông Owji hồi tháng trước cho biết Iran đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 5,7 triệu thùng dầu/ngày trong những năm tới. Ước tính Iran có hơn 85 triệu thùng dầu dự trữ trong và ngoài nước sẵn sàng xuất khẩu trong trường hợp các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ.
Khi giá dầu không ngừng biến động, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2022 do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga.
Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala cho biết mức dự báo tăng trưởng 4,7% trước đó đã bị hạ xuống còn 2,5% do "tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine và các chính sách liên quan". Trong khi Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 2,5% lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu, 2 nước này lại đóng vai trò rất quan trọng trong một số lĩnh vực nhất định. Cụ thể, họ là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn, đặc biệt là lúa mì và ngô.
Bà Okonjo-Iweala cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu một số hậu quả nghiêm trọng và các nước nghèo sẽ chịu tác động phần lớn về tình trạng khan hiếm nguồn cung lương thực liên quan vấn đề Ukraine.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, nhiều quốc gia châu Phi đã chứng kiến giá lương thực tăng 20%-50% trong tháng qua. Người đứng đầu WTO nhận định tác động từ lạm phát sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn và trung hạn.
Mariupol vẫn căng thẳng
Lực lượng Ukraine đang từng bước tái chiếm các vùng lãnh thổ phía Bắc thủ đô Kiev trong bối cảnh quân đội Nga tuyên bố rút lui khỏi đây để chuyển hướng sang miền Đông Ukraine.
Hãng tin AP ngày 3-4 dẫn tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận việc quân đội Nga rút lui khỏi một số khu vực ngoại ô Kiev. Ông Zelensky cũng thừa nhận Nga có đủ lực lượng để gây thêm áp lực lên phía Đông và Nam Ukraine. Điều đó khiến thành phố cảng Mariupol ở phía Đông Nam bị đặt trong tầm ngắm.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng Nga quyết tâm chiếm Mariupol sau khi không kiểm soát được Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine. Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) vẫn chưa tiếp cận được Mariupol để sơ tán dân thường. Kiev và Moscow trước đó đạt được thỏa thuận cho phép 45 xe buýt tới thành phố này để sơ tán người dân.
Sáng sớm 3-4, Ukraine cho biết ít nhất 3 tên lửa đạn đạo Iskander được Nga bắn vào TP Odesa ở biển Đen nhưng không trúng cơ sở hạ tầng quan trọng. Odesa là nơi đặt cảng lớn nhất của Ukraine và là trụ sở chính của hải quân nước này. Ngoài ra, Cơ quan Hạt nhân nhà nước Ukraine ngày 2-4 báo cáo một loạt vụ nổ khiến 4 người bị thương ở Enerhodar - thành phố Đông Nam Ukraine bị Nga kiểm soát từ đầu tháng 3 cùng với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gần đó.
Cùng ngày 3-4, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine "chưa tiến triển đến mức có thể tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo hai nước", đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Moscow về tình trạng của bán đảo Crimea và khu vực Donbas vẫn không thay đổi.
Theo ông Medinsky, Ukraine bắt đầu thể hiện cách tiếp cận thực tế hơn đối với các cuộc đàm phán hòa bình qua việc đồng ý trung lập, không vũ khí hạt nhân và không gia nhập một khối quân sự.
Phạm Nghĩa
Xem thêm: nhc.26453937040402202-uac-naot-gnourt-gnat-oab-ud-ah/nv.fefac