Cảnh du khách đông đúc tham quan rừng dừa Bảy Mẫu - Ảnh: VĂN TIẾN
Trai tráng chèo lụy tay chục chuyến mỗi ngày kiếm được tiền triệu. Tui chèo thuê, tháng được 4 - 5 triệu đồng. Có thêm nhiều khách thì thêm tiền. Với nông dân, không nhờ du lịch, biết bao giờ cho ra chừng đó.
Bà NGUYỄN THỊ GÁI
Đến phố cổ Hội An, một trong những trải nghiệm thú vị mà du khách khó lòng bỏ qua là được đi thăm rừng dừa Nam Bộ trên những chiếc thuyền thúng chai.
Giờ đây, khi phố cổ đi tìm lại chính mình sau đại dịch, "thủ phủ" thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu cũng bắt đầu xập xình tiếng nhạc sau những cánh rừng.
Từ 30 chiếc thúng đón khách Tây
Tia nắng trong vắt rọi xuống nhánh sông Hói Lăng ở khu di tích rừng dừa Bảy Mẫu. Nếu không giọng Quảng đặc sệt, có lẽ nhiều người nhầm tưởng đang lạc vào sông nước Nam Bộ.
Rừng dừa này từ lâu được mệnh danh là miền Tây thu nhỏ trong lòng Hội An bởi những cánh rừng dừa nước được mang về từ cách đây mấy trăm năm.
Dưới cái nắng, anh Tiến lẹ tay phết phẩy nước sơn mới cho chiếc thuyền thúng chai sau thời gian dài treo giàn nhà. Anh tô đậm số mã định danh 0045CT và 0046CT được cấp.
Những người trong làng cũng đang tỉa tót lại phương tiện làm ăn của mình khi Hội An vừa khởi động Năm du lịch quốc gia. Những chiếc thúng được sơn phết lên bốn dãy số cẩn thận như chăm sóc cho ngôi nhà của mình.
Là một trong những thành viên "đời đầu" của đội thuyền thúng chai phục vụ du khách ở thôn, anh Tiến thấy rõ sự chuyển mình của làng chài nhỏ xíu này từ ngày có du lịch. Vạn Lăng vốn là làng biển ngập mặn, bà con quanh năm bám biển mưu sinh. Ở xứ này, con tàu lớn ra khơi thường trang bị thuyền thúng chai để làm phương tiện phụ đi biển.
Khi rừng dừa Bảy Mẫu được đưa vào du lịch cộng đồng, những chiếc thuyền thúng chai thành phương tiện đưa khách tham quan len lỏi trong các cánh rừng đầy tôm cá.
"Có lần làng đón tour khách quốc tế muốn tham quan rừng dừa. Cả làng huy động mãi cũng chỉ được chừng 30 thúng đưa họ đi chơi sông nước. Ai ngờ họ thích quá trời, mấy công ty du lịch cũng nhận thấy thiên thời địa lợi đã tới..." - anh Tiến kể.
Đưa tay quẹt điện thoại, ông Phạm Lý - một tay chèo có tiếng ở Cẩm Thanh - chỉ những xuồng ba lá trong rừng, nói thuyền thúng chai nếu đi trên mặt nước sẽ khó di chuyển nhanh.
Bởi nó cứ "như một thứ nổi trên mặt nước" chứ chẳng có điểm nào là mũi thuyền, điểm nào đặt lái. Và hơn nữa, thuyền chẳng có những chi tiết hạn chế lực cản của nước như xuồng ba lá nên người chèo cứ phải dùng kinh nghiệm mà lèo lái.
Nhưng khi đi tham quan rừng dừa, thuyền thúng chai như ở Cẩm Thanh vô cùng thuận tiện. Bởi không như sông rộng ở miền Tây, rừng dừa Cẩm Thanh nhỏ hơn, nên đi thúng chai việc di chuyển, quay đầu cũng dễ hơn.
Không chỉ mang đến cảm giác bềnh bồng len lỏi dưới tán dừa mát rượi và tận hưởng thú vui thôn dã miền sông nước, việc chèo thuyền thúng chai còn được ngư dân ở đây biểu diễn như nghệ thuật.
Những người trên thúng từ khi biết ăn cơm như ông Lý xoay thuyền, cưỡi nước dễ như trở bàn tay. Chỉ cần vài động tác đạp chân, nhún nhảy là có thể mang đến cảm giác "bay lắc" cho người trên thuyền.
Du khách thích thú với rừng dừa Bảy Mẫu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đổi nghề nhờ cánh rừng dừa
Cuộc trò chuyện đang lỡ thì có điện thoại. "Chuẩn bị mười thúng nghe chị Hai. Khách này đi có ăn trưa" - giọng một phụ nữ vang lên. Anh Tiến, ông Lý cùng mọi người chuẩn bị đồ nghề để tiếp đoàn đang tới. Chúng tôi hòa cùng đoàn ngồi trên chiếc thuyền thúng dạo chơi giữa cánh rừng dừa xanh thẳm.
Người cầm tay chèo là bà Lê Thị Thôi (63 tuổi, người thôn Vạn Lăng) liên tục đẩy mái hai-ba nhịp sang phải rồi một nhịp sang trái. Chiếc thúng chai tròn ấy vậy mà vẫn thẳng tiến ra đoạn sông có những người đang quăng chài. "Mùa này gió biển vào mạnh nên mất sức. Cứ đoán gió mà đánh chèo" - bà Thôi sành sỏi với khách.
Tháng ba bà già đi biển, sóng êm mà cá tôm cũng nhiều, nên những năm trước đây là thời điểm bà chẳng thấy mặt chồng con ở nhà. Nhưng nay tất cả những người con của bà Thôi đều chuyển từ lái tàu sang thuyền thúng. Với bà Thôi, hơn 50 năm quen với chiếc thuyền thúng chai, thì chỉ cần nhìn ngọn gió thổi qua đọt dừa là biết phải đánh lái thế nào.
Khi du lịch thuyền thúng bắt đầu thịnh hành và được nhiều người biết đến sau chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của hoa hậu Hàn Quốc, nhiều khách Đông Á cũng tìm đến đây.
Các công ty tổ chức tour tuyến và làng du lịch cộng đồng hình thành bắt đầu tuyển mộ người chèo thuyền thúng địa phương. Bà Thôi chuyển từ chèo thúng đi lấy cá từ những con tàu về bán cho các chợ sang nghề chở khách tham quan.
Dân làng cũng bắt đầu hội quân, tham gia các tour phục vụ khách để tăng thu nhập. Bởi không ai thân thuộc cảnh quan rừng dừa như người dân bản địa. Cứ thế chỉ chừng vài năm, cả làng chuyển sang nghề lái thuyền thúng.
Riêng khúc sông Hói Lăng này, bà Thôi không hẳn là tay chèo cao tuổi nhất, nhưng ai cũng biết vì bộ sưu tập thuyền thúng của những người con bà. Trong nhà có các loại thúng chai được mua từ Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... với nhiều loại kích thước và phong cách đóng khác nhau.
"Ở đây cứ tính người ra thúng. Nhà tôi 6 người 6 thúng. Cứ qua vài năm lại đổi hoặc nâng cấp thúng mới cho an toàn. Cũng tốn vài ba triệu nhưng thúng mới thì bay lắc đỡ tốn sức hơn" - bà Thôi tếu táo.
Vốn là vùng rừng dừa hoang sơ với những dãy nhà bên bờ sông lụp xụp mái tôn, chật chội. Từ khi chuyển nghề làm du lịch, cả làng mang bộ mặt mới.
Con đường được thảm bêtông, những căn nhà cao tầng tươi mới mọc lên và hàng quán tinh tươm sớm chiều nhộn nhịp du khách. Bà Nguyễn Thị Gái, người dân thôn Vạn Lăng, nói bây giờ nhà nào cũng có vài ba thúng, tựa vào rừng dừa nước để mưu sinh.
Những năm trước dịch, mùa cao điểm du lịch từ tháng 4 tới tháng 9, tháng 10. Nhà nào cũng rơi vào cảnh "cháy thúng" dù ở đây có hơn 1.000 chiếc. Bà Gái và những người dân làng đã quen với việc ăn tết trên thúng để phục vụ khách tham quan.
Người dân sơn phết lại thuyền thúng chai làm du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Gần 1.200 thuyền thúng chai
Bà Ngô Hiền Trân, phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, nói từ bao đời nay, rừng dừa nước chở che cho người dân làng Cẩm Thanh tránh khỏi những cơn sóng biển ào vào từ phía biển Cửa Đại. Ngoài cho cá tôm, đến hôm nay rừng dừa đã biến thành "làng du lịch không khói".
Người dân chuyển hẳn sang nghề dịch vụ chèo thuyền thúng và kinh doanh ăn uống, giải khát. "Mấy hôm nay du lịch bắt đầu phục hồi, ngày ít người dân cũng được vài ba chuyến. Những người không có thúng đi chèo thuê đã có khoản thu nhập ổn định hơn" - bà Trân nói. Đến nay, xã có gần 1.200 thuyền thúng chai được đánh số, hành nghề du lịch.
Trong tương lai, TP Hội An mong muốn biến "thủ phủ" thuyền thúng chai trở thành làng du lịch sông nước với việc phát triển thêm các sản phẩm du lịch liên quan đến làng nghề như làm nhà bằng dừa nước, nước mắm thủ công.
TTO - Câu chuyện về đời sống sông nước, về thuyền thúng, nhà chồ, nghề cá… của Đà Nẵng những năm 2000 được tái hiện sinh động và thu hút.
Xem thêm: mth.30873043240402202-hcil-ud-gnuht-neyuht-uhp-uht/nv.ertiout