Như PLO đã đưa tin, nam ca sỹ Nathan Lee xác nhận anh đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Cao Thái Sơn” tại Cục SHTT.
Trao đổi riêng với PV trong buổi họp báo ra mắt MV Yêu thương quay về chiều 1-4, nam ca sĩ khẳng định mọi việc làm của mình đều tuân thủ pháp luật.
Riêng về lý do đăng ký nhãn hiệu Cao Thái Sơn và nhãn hiệu trên được dùng vào những hoạt động nào thì nam ca sĩ cho biết chưa tiện chia sẻ cùng báo chí.
Trước sự việc trên, nhiều người đặt ra vấn đề rằng ca sỹ Cao Thái Sơn cần làm gì trước hành động của ca sỹ Nathan Lee, bởi rất có thể sắp tới họ cũng là nạn nhân.
Cao Thái Sơn có quyền phản đối
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Luận, Giảng viên Khoa Luật dân sự, Đại học Luật TP.HCM cho biết: Đơn đăng ký nhãn hiệu từ khi được Cục SHTT tiếp nhận cho đến khi được cấp văn bằng bảo hộ phải trải qua nhiều giai đoạn như thẩm định hình thức, công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp, thẩm định nội dung.
Trong đó, khi đơn được công bố công khai trên Công báo sở hữu công nghiệp, mọi người đều có thể tiếp cận với các thông tin chi tiết về nhãn hiệu đã nộp đơn đăng lý. Kể từ ngày đơn được công bố trên Công báo đến trước ngày Cục SHTT ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ ai cũng có quyền có ý kiến phản đối với Cục SHTT về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ.
“Kể từ khi đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, ca sỹ Cao Thái Sơn có thể nêu ý kiến phản đối bằng văn bản gửi cho Cục SHTT liên quan đến nhãn hiệu mà Nathan Lee đã tiến hành thủ tục đăng ký”, Ths Luận phân tích.
Hàng rào pháp lý chặt chẽ
Liên quan đến các quy định về nhãn hiệu, ThS Luận cho rằng việc sử dụng tên người làm nhãn hiệu không hiếm và không khó để có thể tìm thấy những nhãn hiệu mang tên người. Chẳng hạn: Nguyễn Kim, Thái Tuấn, Lacoste, Jean Paul Gaultier, Yves Saint Laurent…
Việc sử dụng chính tên của người sáng lập, người thân của họ hoặc tên người bất kỳ miễn là đáp ứng được khả năng phân biệt theo quy định pháp luật như: Không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho hàng hóa dịch vụ trùng hoặc tương tự, không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng để chuộc lợi…
Tuy nhiên, để tránh việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định cho phép sử dụng tên người làm nhãn hiệu nhằm bôi nhọ, công kích hay lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng thì Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ đặt ra những “hàng rào” bảo vệ.
Thứ nhất, để bảo vệ hình ảnh của những người nổi tiếng là lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân trong và ngoài nước thì nhãn hiệu không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
Thứ hai, đối với những người nổi tiếng khác như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ... thì có quy định không được sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
Từ các căn cứ trên, Thạc sỹ Luận nhận định việc Nathan Lee đăng ký nhãn hiệu Cao Thái Sơn sẽ khó được pháp luật chấp nhận bảo hộ.