Ngày càng nhiều người trẻ mắc chứng sợ xã hội, ngại giao tiếp - Ảnh: HANDOUT
Theo báo SCMP, "ám ảnh xã hội" đã trở thành cụm từ thông dụng trong những năm gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc như Weibo và Zhihu. Ngày càng nhiều người trẻ tuổi nói rằng họ sợ giao tiếp trong thế giới thực.
Theo khảo sát trên 4.800 sinh viên đại học do báo Thanh Niên Trung Quốc tiến hành vào tháng 11-2021, khoảng 80% tin rằng họ có các triệu chứng ám ảnh sợ xã hội hoặc rối loạn lo âu xã hội.
Khoảng 7% trong số đó cho biết họ có các triệu chứng nghiêm trọng.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí khoa học PLOS One vào năm 2020 cho thấy tỉ lệ mắc các triệu chứng sợ xã hội ở thanh niên Trung Quốc đang tăng lên.
Nghiên cứu này do các nhà khoa học Mỹ và Canada thực hiện. Cụ thể, 32% người từ 16-29 tuổi có triệu chứng ám ảnh sợ xã hội.
Huang Jing, một nhà tâm lý học tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (miền đông Trung Quốc), cho biết việc lạm dụng mạng xã hội và kết nối ảo là những lý do chính làm gia tăng chứng bệnh này.
"Một điều khá phổ biến ở thanh thiếu niên ngày nay đó là họ thường từ chối ra khỏi nhà hoặc gặp gỡ bất kỳ ai, dù đang ở độ tuổi tò mò và khám phá", Huang Jing cho biết.
"Đây là vấn đề mang tính toàn cầu khi mạng xã hội thống trị cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng của nó đối với Trung Quốc, đặc biệt là thanh thiếu niên và thanh niên, lớn hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Chúng quá phụ thuộc vào giao tiếp không trực tiếp", cô Huang Jing nói thêm.
Li Li, một cô gái 17 tuổi ở Thượng Hải, cho biết sau một tuần học ở trường, cô luôn ở nhà vào cuối tuần.
"Tôi có thể nói rất nhiều khi ở trên mạng, nhưng khi gặp mọi người ở ngoài đời thì tôi trở nên ngại ngùng, không biết phải nói gì - Li Li nói - Có lẽ vì giao tiếp trên mạng an toàn hơn, ít nhất là bạn không nhìn thấy được người kia".
Ji Longmei, chuyên gia tư vấn tâm lý cấp cao tại Trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần ở Thượng Hải, nhận định có một lý do khác, đó là nhiều người trẻ sinh ra trong thời đại chính sách một con của Trung Quốc, lớn lên một mình và được cha mẹ, ông bà bảo vệ quá mức vì họ là con một.
"Một mặt, họ không có anh chị em để chơi cùng. Mặt khác, họ chịu nhiều kỳ vọng từ gia đình trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục khốc liệt, do đó họ dành phần lớn thời gian ở nhà để học tập", chuyên gia Longmei nói.
"Trong số khách hàng của tôi có một người có con trai là tiến sĩ nhưng không thể hẹn hò với phụ nữ vì chứng sợ xã hội, không làm gì khác ngoài học. Cô ấy lo toan mọi thứ, ngay cả buộc dây giày cho con trai", cô Longmei nói thêm.
Mặc dù chứng ám ảnh sợ xã hội đang gia tăng nhưng chuyên gia tâm lý Longmei nhận định chứng bệnh này đang bị lạm dụng trên mạng.
Theo đó, không phải ai tự cho mình là sợ xã hội đều thực sự mắc bệnh. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ dùng nó như một cái cớ để từ chối tham gia các sự kiện.
Tuy nhiên, việc ám ảnh sợ xã hội trở thành cụm từ thông dụng là một dấu hiệu tích cực cho thấy cộng đồng đã nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần.
TTO - Khi Hong Kong bùng dịch COVID-19 nặng nề, Bắc Kinh gửi đến 1 triệu gói thuốc y học cổ truyền. Chính phủ Trung Quốc cũng muốn nhân dịp này quảng bá ra thế giới loại thuốc trị COVID-19 bằng thảo dược (TCM).