Tại Hungary và Serbia, các đảng thân Nga đều đã giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử lập pháp. Chiến thắng này đã mang đến cho thế giới lời nhắc nhở rằng nước Nga vẫn có những sự ủng hộ ngay cả giữa lòng châu Âu.
Ở Hungary, Thủ tướng Viktor Orban và đảng Fidesz theo chủ nghĩa dân tộc của ông đã giành chiến thắng vang dội. Hungary không chỉ là thành viên Liên minh châu Âu mà còn cả NATO. Chiến thắng này cho thấy nước Nga có bạn ngay cả ở nơi mà mâu thuẫn lớn nhất. Phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Orban đã không ngần ngại chỉ trích EU và cả Ukraine.
"Chúng tôi có một chiến thắng vang dội và chắc chắn Brussels (nơi đặt trụ sở EU) đã thấy. Chúng tôi sẽ ghi nhớ chiến thắng này đến cuối đời bởi chúng tôi đã phải chiến đấu chống lại rất nhiều đối thủ. Nằm trong danh sách đó là các quan chức EU, truyền thông quốc tế và cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky".
Ông Zelensky đã nhiều lần trực tiếp chỉ trích ông Orban vì không ủng hộ Ukraine nhiệt tình như những người đồng cấp khác ở châu Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của ông Orban.
Tuy nhiên, việc ông Orban đắc cử không nằm ngoài dự đoán của EU. Hungary cũng đã hợp tác với các nước EU khác trong việc từng phạt Nga. Tuy nhiên, họ tỏ ra miễn cưỡng trong việc hỗ trợ Kiev, bao gồm việc cho phép vũ khí của phương Tây đổ vào Ukraine qua lãnh thổ nước này.
Quan điểm của Hungary khiến đồng minh quan trọng của họ là Ba Lan phải nhiều lần đứng ra bảo vệ. Họ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ ông Orban khỏi các lệnh trừng phạt của EU nhiều lần trong những năm gần đây. Ở chiều ngược lại, Hungary cũng nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ Ba Lan.
Tuy nhiên, Ba Lan lại là quốc gia chống Nga mạnh mẽ ở châu Âu. Sau cuộc xung đột ở Ukraine, không rõ quan hệ giữa Hungary và Ba Lan sẽ biến chuyển sao.
Không chỉ Hungary, nhà lãnh đạo Aleksandar Vucic của Serbia cũng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm cuối tuần. Nước này không phải thành viên EU hay NATO dù đang nỗ lực gia nhập khối này trong một tiến trình dự kiến kết thúc trong vài năm tới.
Trong nhiều năm, Tổng thống Vucic đã cố gắng cân bằng trong việc duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ với Nga bên cạnh mối quan hệ với phương Tây nhằm trở thành một thành viên EU. Trong suốt quá trình chạy đua, Vucic không đi ngược lại quan điểm này và ông đã được người dân ủng hộ.
Serbia dựa gần như hoàn toàn vào khí đốt Nga. Quân đội nước này cũng vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với quân đội Nga. Mặc dù Serbia ủng hộ 2 nghị quyết của Liên Hợp Quốc xung quanh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine nhưng lại từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Rõ ràng, những chiến thắng này có tác động không nhỏ tới EU và cả nước Nga. Liên minh châu Âu không khỏi đau đầu khi trong khối có tiếng nói trái ngược còn Nga có thể mỉm cười khi giữa lòng châu Âu, họ vẫn có được sự ủng hộ.
http://tintuc.vdong.vn/04/1301541.htm