Đóng thuế qua mạng
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, từ năm 2018 đến năm 2020, Việt Nam đã thu được tổng số thuế do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các tổ chức nước ngoài ký có hợp đồng quảng cáo là 3.082 tỷ đồng (trong đó năm 2018 là 770,6 tỷ đồng; năm 2019 là 1.167,9 tỷ đồng; năm 2020 là 1.143,7 tỷ đồng).
Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng, trong đó số thu từ một số tập đoàn lớn (theo hình thức thuế nhà thầu) như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là các khoản thu thuế với doanh thu từ doanh nghiệp xuyên biên giới ký hợp đồng với các tổ chức trong nước. Trong khi đó, từ nhiều năm nay Việt Nam chưa có hướng dẫn để thu được thuế từ các giao dịch giữa các doanh nghiệp xuyên biên giới với khách hàng là người dùng cá nhân tại Việt Nam.
Thông tư 103/2014/TT-BTC về Hướng dẫn nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, ban hành vào tháng 8/2014, đã đưa ra cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc thu thuế đối với doanh nghiệp xuyên biên giới.
Tuy nhiên, Thông tư này mới chỉ dừng ở mức thu thuế của các doanh nghiệp xuyên biên giới có hợp tác với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước, chứ chưa bao gồm hướng dẫn nộp thuế cho trường hợp phát sinh doanh thu nhận được từ cá nhân không kinh doanh. Việc thiếu cơ sở pháp lý khiến các doanh nghiệp xuyên biên giới không thể nộp thuế từ khoản doanh thu này, dẫn đến sự hiểu nhầm rằng các doanh nghiệp xuyên biên giới cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế với các khoản doanh thu đến từ người dùng cá nhân.
Phải đến khi có Thông tư 80, vướng mắc này mới được giải quyết. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam sẽ có thể trực tiếp kê khai và nộp thuế thông qua cổng điện tử của Tổng cục Thuế (ra mắt vào ngày 21/3 mới đây), hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế tại Việt Nam. Việc kê khai và nộp thuế này được áp dụng đối với mọi doanh thu của doanh nghiệp xuyên biên giới, bao gồm cả các khoản doanh thu từ người dùng cá nhân. Theo các chuyên gia, đây là cánh cửa giải bài toán thu thuế dịch vụ xuyên biên giới đã và đang gặp trở ngại bấy lâu nay.
Cần tính trước các rủi ro
Đại diện Hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) cho rằng: "Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) từ lâu, cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam thì phải chịu thuế giá trị gia tăng, nên về nguyên tắc, việc Tổng cục Thuế đưa ra các nội dung này là hợp lý. Chỉ có điều Nhà nước cần đưa ra phương pháp như thế nào cho phù hợp, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ." Theo đó, chuyên gia VICA lo ngại rằng việc thu thuế giao dịch xuyên biên giới cũng lặp lại các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hóa đơn điện tử và giảm thuế VAT gần đây.
"Việc cơ quan thuế sẽ triển khai như thế nào là vấn đề cần tìm hiểu. Tôi cho rằng Cơ quan thuế cần đầu tư thêm chi phí về nghiên cứu, điều tra xã hội học để có thêm dữ liệu về phản ứng của người dân, đặc biệt là trong các ngành ảnh hưởng nhiều nhất. Từ đó cơ quan thuế mới có thể đề xuất được phương án ứng xử", chuyên gia VICA chia sẻ.
Ngoài ra, một chuyên gia trong ngành Tài chính- Kế toán chia sẻ: Việc phối hợp trao đổi thông tin về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa các quốc gia, ngoài mục tiêu quản lý thuế, chống thất thu thuế, thì cần cân nhắc thêm các biện pháp nhằm tránh đánh thuế hai lần theo các hiệp định quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam và các nước, giúp tránh rủi ro trong trường hợp không có sự thống nhất trong các nguyên tắc về thuế giữa các quốc gia.
Đối với doanh nghiệp nước ngoài, các điều khoản mới về thuế thương mại điện tử của Việt Nam theo Thông tư 80/2021/TT-BTC cũng đặt ra không ít thách thức. Có những lĩnh vực quan trọng cần được làm rõ thêm để tránh việc Thông tư vô tình kìm hãm sự tăng trưởng trong lĩnh vực quan trọng này của nền kinh tế. Các vấn đề chính cần được làm rõ bao gồm: việc đăng ký thuế của các nhà cung cấp nước ngoài; hiệp ước bảo hộ thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài; nghĩa vụ khấu trừ thuế của ngân hàng thương mại; và khả năng đánh thuế hai lần.
http://tintuc.vdong.vn/04/1301550.htmÁnh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.35714215150402202-euht-gnod-ohc-nom-iom-iahp-noc-gnohk-aig-couq-neyux-peihgn-hnaod/nv.zibefac