Theo Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính, thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Một số mặt hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng bị đánh thuế TTĐB do có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia… hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm (như xăng gốc hóa thạch), hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp, đắt tiền cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf…). Vì xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch không tái tạo nên cần phải sử dụng tiết kiệm và theo thông lệ quốc tế xăng luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Từ kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Ví dụ như ở Pháp, xăng E10 bị đánh thuế TTĐB ở mức 0,6629 EUR/lít và xăng khoáng bị đánh thuế ở mức 0,6829 EUR/lít. Hay Đức thu thuế TTĐB đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/mg ở mức 0,6689 EUR/lít, Hà Lan thu 0,81314 EUR/lít và Ý thu 0,7284 EUR/lít.
Ở châu Á, các nước như Hàn Quốc có mức thu thuế TTĐB là 311 KRW/lít, Trung Quốc thu 1,52 CNY/lít. Hay ngay tại các nước trong khu vực ASEAN, Thái Lan thu 6,5 THB/lít với xăng khoáng, 5,85 THB/lít với xăng 95 E10, 5,2 THB/lít với xăng 95 E20, 0,975 THB/lít với xăng 95 E85, 3,2 THB/lít với dầu Diesel hay Singapore thu 0,41 SGD/lít.
Luật Thuế TTĐB ở Việt Nam đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1999. Bộ Tài chính cũng khẳng định rằng đánh thuế TTĐB với xăng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh giá xăng dầu, bám sát thị trường nhưng cũng phải hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và người nộp thuế.
Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra ở nước ta vẫn thấp hơn mức bình quân chung dù làm theo thông lệ chung. Cụ thể, tỷ trọng thuế thấp hơn khoảng 38% đối với xăng, 20% đối với dầu nếu giá dầu thô thế giới là 80 USD/thùng. Tỷ trọng này sẽ giảm xuống khi giá xăng dầu tăng lên. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở các nước khác rơi vào khoảng 45% – 60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn).
Bên cạnh đó, 5% – 8% giá bán xăng dầu là chi phí vận chuyển và lợi nhuận định mức. Gần đây, giá xăng dầu thành phẩm tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai do cầu tăng mạnh. Thêm vào đó, tình hình chính trị thế giới căng thẳng, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraina và các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Việc này giúp bảo đảm ổn định giá xăng dầu kịp thời trước biến động của giá dầu thô trên thị trường thế giới để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày 1 lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng
Đề cập đến ý kiến cần điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ, thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng là 20%, các mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay có mức thuế nhập khẩu MFN là 7%.
Theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, các mặt hàng xăng E5 và E10 có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất FTA) theo ATIGA, VKFTA là 8%; theo VNEAEU là 8,8% và theo Hiệp định ACFTA là 20%. Mức thuế nhập khẩu FTA của các mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay theo VNEAEU là 7%, ATIGA và VKFTA là 0%.
Hiện xăng dầu nước ta chủ yếu nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc và phải chịu mức thuế nhập khẩu FTA là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu. Thuế MFN hiện chiếm khoảng 6% tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Khi kiểm soát được dịch bệnh và chuỗi cung ứng được phục hồi, tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu theo thuế suất FTA dự báo sẽ tăng trở lại.
Trong điều kiện hiện nay, việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN đối với xăng dầu dường như không thể làm cho giá xăng dầu trong nước giảm vì tỷ trọng nhập khẩu theo thuế suất MFN rất thấp. Hơn nữa, việc điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng dầu sẽ thu hẹp dư địa đàm phán các FTA mới theo nguyên tắc có đi có lại.
https://cafef.vn/bo-tai-chinh-tiep-tuc-len-tieng-ve-viec-xang-chiu-thue-tieu-thu-dac-biet-20220405111045824.chn