Theo CNN, sự biến động của thị trường chứng khoán, lạm phát cùng đà tăng trở lại của lợi suất có thể sẽ sớm khiến nền kinh tế giảm tốc. Tầng lớp trung và thượng lưu theo đó bắt đầu cảm thấy “ngộp thở’’ trong cơn khủng hoảng tài chính và xung đột địa chính trị. Nhu cầu của họ đối với các mặt hàng xa xỉ cũng vì thế mà dần co hẹp.
Theo ông Gary Friedman, Giám đốc điều hành Công ty bán lẻ nội thất cao cấp RH, căng thẳng giữa Nga-Ukraine và những hệ lụy biến động của thị trường đã khiến doanh thu quý đầu tiên sụt giảm mạnh, trong khi cổ phiếu doanh nghiệp lao dốc cùng viễn cảnh tương lai kém tích cực.
"Giá cả leo thang ở khắp mọi nơi, từ nhà hàng đến xe hơi. Tôi nghĩ sẽ chẳng có ai thực sự hiểu nó đang diễn ra tồi tệ đến mức nào”, ông Gary Friedman nói.
Không chỉ RH, các công ty đang sống nhờ phân khúc khách hàng là những người giàu có cũng bắt đầu lên tiếng cảnh báo về sự sụt giảm trong nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ.
“Công ty sẽ phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong đại dịch, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại Bắc Mỹ và một số khu vực bùng phát dịch của châu Á’’, Stefan Larsson, Giám đốc điều hành PVH - công ty sở hữu thương hiệu thời trang cao cấp Tommy Hilfiger và Calvin Klein cho biết.
Công ty bán lẻ nội thất cao cấp RH
Dẫu vậy, một số chuyên gia kinh tế phố Wall vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh của các thương hiệu cao cấp.
“Các thương hiệu xa xỉ có thể hoạt động tốt vì có lợi thế định giá. Điều này sẽ giữ cho biên lợi nhuận luôn ở mức cao và chắc chắn phân khúc hàng xa xỉ này sẽ được thúc đẩy nhờ đà phục hồi của du lịch quốc tế ’’, Zachary Warring, chuyên gia phân tích thuộc CFRA Research cho biết.
Nhà sản xuất áo parka đắt tiền Canada Goose và công ty may mặc Lululemon là 2 ví dụ điển hình. Ngay trong thời kỳ lạm phát, cổ phiếu Lululemon vẫn diễn biến vô cùng tích cực hồi tuần trước sau khi báo cáo doanh thu quý được công bố.
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng những lo ngại xoay quanh khủng hoảng suy thoái tại Mỹ đang bị thổi phồng quá mức.
“Chúng tôi không nghĩ các mặt hàng xa xỉ sẽ phải đối mặt với tương lai ảm đạm. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe được những nhận định về kịch bản trồi sụt doanh số, bởi thực tế, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng chưa hết nhu cầu đối với các nhãn hàng xa xỉ’’, Erwan Rambourg, Trưởng bộ phận nghiên cứu tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu HSBC cho biết.
Ông Rambourg cũng chia sẻ câu chuyện về LVMH, gã khổng lồ của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ đang nắm trong tay quyền sở hữu Louis Vuitton và Dior. Ông dự đoán rằng báo cáo doanh thu của LVMH cuối tháng này tại hầu hết các khu vực sẽ vô cùng ấn tượng, song chỉ riêng thị trường Trung Quốc là bị ảnh hưởng ít nhiều do các lệnh phong tỏa.
“Thị trường duy nhất mà chúng tôi mong đợi sự tăng trưởng là Trung Quốc đại lục. Các lệnh phong tỏa có thể tác động lên nhu cầu mua hàng xa xỉ tại đây”.
Suy thoái toàn cầu có thể khiến doanh số bán hàng xa xỉ chịu tác động tiêu cực
Tuy nhiên, ông Rambourg cũng không loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu khiến doanh số bán hàng xa xỉ chịu tác động tiêu cực. Vị chuyên gia này cho rằng, việc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá cổ phiếu của một số tập đoàn sụt giảm mạnh chính là rủi ro lớn nhất mà các ông lớn lĩnh vực cao cấp có thể đối mặt.
Theo: CNN
http://tintuc.vdong.vn/04/1301759.htm
Vũ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị