Chiều 5/4, sau 2 ngày xét xử, TAND Tp.HCM đã tuyên án vụ án Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (viết tắt: RFC; 100% vốn nhà nước).
Cụ thể, tòa tuyên phạt bị cáo Phan Minh Anh Ngọc, SN 1951, cựu Tổng Giám đốc RFC án chung thân về tội Tham ô tài sản.
Cùng về tội tham ô tài sàn, bị cáo Phan Long Hải Âu, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng bị tuyên phạt 20 năm tù; Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng bị tuyên phạt 12 năm tù giam.
Về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng, HĐXX tuyên phạt nhóm 4 bị cáo gồm: Hồ Nguyễn Bảo Uyên, nhân viên RFC; Đặng Thị Kim Anh, nguyên Trưởng phòng kế toán RFC; Lê Anh Tuấn, nhân viên RFC và Nguyễn Hồng Hải, nhân viên RFC mức án từ 5 đến 7 năm tù giam.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt hai bị cáo Ngọc và Âu mỗi bị cáo 20 năm tù. Đồng phạm còn lại về tội tham ô bị đề nghị mức án 12-14 năm tù.
Bốn bị cáo cựu cán bộ, nhân viên RFC bị VKS đề nghị mức án 8-12 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên theo HĐXX, bị can Ngọc có vai trò quyết định việc cho vay, sai phạm của bị cáo là nghiêm trọng nên tuyên mức án cao hơn mức mà VKS đề nghị.
Nhóm bị cáo còn lại cũng phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình, tương xứng với hành vi mà các bị cáo gây ra. HĐXX trong quá trình lượng hình cũng đã xem xét việc các bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, gia đình có công với cách mạng, là lao động chính...để làm căn cứ xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Theo cáo trạng, Công ty RFC thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, có chức năng vay và cho vay như một tổ chức tín dụng.
Năm 2011 trên cơ sở đề nghị của Phan Long Hải Âu, bị can Phan Minh Anh Ngọc, Tổng Giám đốc RFC đã lợi dụng chức vụ, bàn bạc thỏa thuận thống nhất với Âu sử dụng pháp nhân Công ty Minh Hằng lập hồ sơ đề nghị vay vốn tại RFC.
Bằng thủ đoạn nâng khống hạn mức trồng 780 ha cao su ở tỉnh Đắk Lắk, trong khi dự án chỉ được trồng 100ha, để Ngọc duyệt cho vay số tiền 65 tỷ đồng, nhằm sử dụng một phần vào việc đầu tư trồng cao su, phần còn lại chiếm đoạt cá nhân.
Cụ thể, bị can Âu đã lập và chỉ đạo Nguyễn Anh Tuấn ký hồ sơ khống sử dụng tiền vào dự án nhưng không có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, để RFC giải ngân thông qua 16 khế ước với số tiền 58 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bị can Âu chỉ sử dụng trên 11 tỷ đồng vào việc đầu tư trồng cao su, số còn lại trên 46 tỷ đồng, bị can Ngọc và Âu chiếm đoạt của RFC để sử dụng cá nhân.
Cáo trạng nêu, bị can Ngọc có vai trò quyết định việc cho vay; bị can Âu có vai trò chủ mưu; bị can Tuấn có vai trò giúp sức tích cực trong hành vi tham ô tài sản. Các bị can là cán bộ RFC đã vi phạm quy định cho vay, tạo điều kiện cho các Ngọc, Âu và Tuấn chiếm đoạt tiền của RFC.
Cáo trạng xác định, các bị can đã gây thiệt hại cho RFC 102 tỷ đồng, trong đó 3 bị can nói trên chiếm đoạt trên 46 tỷ đồng và gần 60 tỷ đồng tiền lãi phát sinh do hành vi tham ô gây ra.