Ngày 5-4, tin từ VKSND tỉnh Bình Thuận cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phí Văn Thành (64 tuổi, ngụ phường Phú Thủy, TP Phan Thiết), trưởng Văn phòng công chứng (VPCC) Tiến Đạt, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Giả chữ ký để bán nhà, vẫn “lọt cửa” công chứng
Trong vụ án trên, ngoài bị can Phí Văn Thành còn có bị can Hồ Thị Ngọc Yến (28 tuổi) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Phí Văn Thành thời điểm bị bắt giam. Ảnh: PĐ
Theo cáo trạng, tháng 9-2018, Hồ Thị Ngọc Yến nói dối có gói vay đáo hạn ngân hàng 10 tỉ đồng nên muốn vay tiền của ông L. Tuy nhiên, ông L không có tiền mặt mà chỉ có lô đất 367 m2 ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết muốn bán với giá 7 tỉ đồng.
Để tạo niềm tin, Yến ký một hợp đồng vay 10 tỉ đồng của ông L dù lô đất chỉ có giá 7 tỉ đồng. Yến cam kết trong sáu tháng nếu không trả lại đất thì sẽ trả lại 10 tỉ đồng cho ông L. Sau khi được chuyển nhượng lô đất trên, Yến bán được hơn 8 tỉ đồng và chiếm đoạt.
Cũng trong năm 2018, biết bà N có nhu cầu mua nhà ở TP Phan Thiết, Yến đã lừa chủ căn nhà 22 Nguyễn Thái Học, TP Phan Thiết để mượn giấy tờ nhà đưa cho bà N xem và nói dối đã mua căn nhà này nhưng chưa sang tên. Yến giả chữ ký, chữ viết của chủ nhà trong hợp đồng chuyển nhượng được công chứng ngày 30-10-2018 tại VPCC Tiến Đạt để chiếm đoạt của bà N 7,1 tỉ đồng.
Chưa dừng lại, Yến tiếp tục thế chấp căn nhà trên cho ông N để vay tiền. Với chiêu thức cũ, tại VPCC Tiến Đạt, Yến giả chữ ký, chữ viết của chủ nhà trong hợp đồng ủy quyền được công chứng ngày 5-11-2018, chiếm đoạt của ông N 6 tỉ đồng.
Trong các phi vụ trên, mặc dù có nhiều hành vi gian dối như giả chữ ký, chữ viết… nhưng Yến đều thực hiện trót lọt mà không bị công chứng viên phát hiện khi thực hiện công chứng hợp đồng.
Tổng giá trị tài sản mà Hồ Thị Ngọc Yến lừa đảo chiếm đoạt của những bị hại nói trên là hơn 21 tỉ đồng.
Khoảng cuối tháng 11-2018, sau khi chiếm đoạt số tiền trên, Yến bỏ trốn sang Trung Quốc và bị Công an tỉnh Bình Thuận truy nã từ tháng 9-2019. Yến khai sang Trung Quốc tìm người để đòi số nợ 4 tỉ đồng nhưng không có giấy tờ gì chứng minh lời khai này.
Sau đó, Yến về lại Việt Nam và đổi tên thành Lê Thị Thanh Thảo, sinh sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho đến tháng 12-2020 thì bị bắt theo lệnh truy nã.
Công chứng viên vốn là một nghề nghiệp có tính rủi ro pháp lý rất cao, vì người thực hiện công chứng phải chịu trách nhiệm cho tính chính xác của hợp đồng, giao dịch... mà mình “ký tên, đóng dấu”. Để hạn chế những rủi ro pháp lý đó, pháp luật đặt ra những quy định, nguyên tắc để công chứng viên thực hiện. Và rõ ràng, nếu không tuân thủ những nguyên tắc đó hoặc cố ý làm trái, công chứng viên sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro như bồi thường tiền, thậm chí là đi tù. |
Công chứng viên đối mặt với mức án lên đến 12 năm tù
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện công chứng các hợp đồng liên quan đến vụ án, bị can Thành đã nhiều lần không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công chứng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Thành không yêu cầu chủ đất xuất trình bản gốc giấy tờ tùy thân, cũng không yêu cầu phải có giấy xác nhận độc thân của chủ đất để kiểm tra, đối chiếu. Bị can Thành cũng không yêu cầu các bên công chứng ký trước mặt mình.
Đặc biệt, khi công chứng hợp đồng ủy quyền ngày 5-11-2018 đối với căn nhà tại 22 Nguyễn Thái Học, ông Thành không yêu cầu các bên phải hủy hợp đồng chuyển nhượng ngày 30-10-2018 trước khi ký hợp đồng ủy quyền.
Phí Văn Thành đã bỏ qua nguyên tắc về chỉnh sửa hợp đồng nên đã làm lại hợp đồng ủy quyền và không phát hiện việc Hồ Thị Ngọc Yến giả chữ ký của chủ đất trên các hợp đồng nói trên.
Tháng 8-2021, Phí Văn Thành bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt giam.
Cáo trạng của VKS chỉ ra rằng mỗi một lần vi phạm của bị can Thành đều cấu thành tội phạm nên thuộc trường hợp phạm tội hai lần trở lên, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Với những vi phạm trên, ông Thành bị truy tố theo khoản 3 Điều 360 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với khung hình phạt từ bảy đến 12 năm tù.
Riêng bị cáo Hồ Thị Ngọc Yến bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khoản 4 Điều 174 BLHS với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Nhiều công chứng viên bị tù tội vì làm sai quy trình Đây không phải lần đầu một công chứng viên bị bắt vì có sai phạm trong quá trình thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch. Trước đó, vào năm 2016, Tào Văn Phụng (công chứng viên ở Bạc Liêu) đã bị tuyên phạt bốn năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, Phụng cùng các đồng phạm khác đã lập hồ sơ công chứng gian dối để lừa nạn nhân giao 300 triệu đồng từ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rồi chiếm đoạt. Hay vụ án ông Bùi Văn Ần (ngụ Quảng Nam), là công chứng viên và trưởng VPCC Bùi Ần. Ông Ần trong quá trình công chứng hợp đồng đã không yêu cầu các bên có mặt để chứng kiến việc ký kết hợp đồng dẫn đến các hợp đồng mua bán, ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng giả chữ ký. Ông Ẩn bị bắt để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 5-4-2021. |