Thủy Biều (TP Huế), Phong Thu (huyện Phong Điền), Hương Vân và Dương Hòa (thị xã Hương Trà)... là những địa phương trồng nhiều thanh trà và hưởng ứng tích cực mô hình canh tác hữu cơ với giống cây này.
Trồng thanh trà theo mô hình VietGAP, nông dân được tập huấn, đào tạo về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc cây. Quy trình này gồm các bước: loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ độc hại; tưới nước, bón phân đúng thời kỳ, vào từng giai đoạn cây sinh trưởng; chủ yếu bón phân hữu cơ vi sinh với hàm lượng, định lượng khoa học; tập trung tỉa cành, xử lý sâu hại trên cây; ứng dụng hệ thống tưới nhỏ phun để tiết kiệm nước, không rửa trôi đất và bảo đảm cung cấp đủ nước vào mùa khô.
Tại phường Thủy Biều, nhiều hộ gia đình hưởng ứng tích cực mô hình này để canh tác thanh trà và bước đầu cho hiệu quả cao. Vườn thanh trà của ông Đặng Văn Kế (đường Lương Quán, phường Thủy Biều) có diện tích 0,5 ha. Ông cho biết khi ứng dụng mô hình VietGAP chăm sóc cây thì chất lượng, số lượng, trái thanh trà tại vườn ông đã tăng đáng kể so với trước.
Cây thanh trà trồng theo mô hình VietGAP hữu cơ
Năm nay, thanh trà tại vườn ông Kế có giá bán cao hơn (45.000 đồng/kg). Trung bình với 100 cây thanh trà, người trồng thu được hơn 150 triệu đồng, theo giá của phường quy định.
Gia đình ông Tôn Thất Bình (đường Nguyệt Biều, phường Thủy Biều) có vườn thanh trà với diện tích 7.000 m2, canh tác theo mô hình VietGAP hữu cơ. Ông Bình cho biết: "Theo tiêu chuẩn VietGAP, phòng trừ sâu bệnh cho trái thanh trà không bị đen, hư hại luôn được nông dân ưu tiên hàng đầu trong quá trình chăm sóc, mục đích chính là đem lại sản phẩm đẹp, sạch, an toàn cho khách hàng".
Vào đầu mùa thu, thanh trà bắt đầu chín mọng, tỏa hương khắp vườn. Thời điểm mùa vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng 9 và chỉ có một mùa trong năm. Hiện nay, toàn phường Thủy Biều có 43 hộ dân tham gia sản xuất cây thanh trà theo mô hình VietGAP với 8,5 ha, dự kiến sản lượng bình quân đạt 150 - 250 kg/cây/năm.
Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều, cho biết: "Đây là mô hình được áp dụng từ năm 2017, có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trái thanh trà, bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng".
Với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Huế đã có kỹ thuật trồng thanh trà hiện đại hơn trong việc giúp cây sinh trưởng tốt, kéo dài tuổi thọ. Từ đó, các nông dân mở ra cơ hội, hướng canh tác mới, ngày càng khẳng định được thương hiệu cây thanh trà xứ Huế.
Xem thêm: mth.23835639150402202-euh-art-hnaht-iart-hnal-togn/et-hnik/nv.moc.dln