Tối 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Nhắc đến cái tên Tân Hoàng Minh, bên cạnh việc là một "ông lớn" trên thị trường BĐS thì doanh nghiệp cũng từng gắn liền với lùm xùm liên quan tới các phi vụ bỏ cọc đấu giá có giá trị từ vài tỷ cho đến vài chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận.
Đòi huỷ kết quả đấu giá khu “đất vàng” số 23 Lê Duẩn
Khu đất số 23 Lê Duẩn vốn là trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết Tp.HCM, với chiều rộng 3.000m2 với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du, nằm ngay trung tâm thành phố.
Vào năm 2011, Công ty Xổ số Kiến thiết Tp.HCM khởi công xây dựng trụ sở mới tại quận 5 nên có kế hoạch bàn giao lại trụ sở cũ ở số 23 Lê Duẩn cho UBND TP sử dụng vào mục đích khác theo quy hoạch phát triển chung trong tương lai.
Đầu năm 2014, Sở Kế hoạch Đầu tư kiến nghị UBND Tp.HCM cho đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn theo hình thức Nhà nước cho thuê đất do khu đất có chức năng văn phòng thương mại dịch vụ; cho phép pháp nhân nước ngoài tham gia.
Với vị trí đắc địa cùng mặt tiền rộng rãi, khu đất nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đến tháng 6/2015, buổi đấu giá công khai khu “đất vàng” chính thức diễn ra với mức giá khởi điểm là 558 tỷ đồng, trong đó giá trị công trình kiến trúc khoảng 10 tỷ đồng, giá trị quyền sử dụng đất là 548 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá phải đặt trước một khoản tiền tương đương với 15% giá khởi điểm (khoảng 84 tỷ đồng). Trải qua 16 vòng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã vượt qua 12 đối thủ khác để thắng đấu giá khu đất với số tiền kỷ lục ở thời điểm đó, lên tới 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với mức giá khởi điểm.
Khi UBND TP vừa bán hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá khu đất này thì Tân Hoàng Minh bất ngờ “quay xe” đòi hủy kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá có sai phạm về bước giá.
Tới tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại đưa ra đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Do quá thời gian quy định, ngoài số tiền trúng đấu giá, tập đoàn BĐS này còn phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt.
Sau đó Tân Hoàng Minh tiến hành nhận đất vào tháng 5/2017 và dự kiến khởi công xây dựng trong quý 3/2017 nhưng cuối cùng lại không thực hiện.
Đến năm 2019, Tân Hoàng Minh chuyển nhượng mảnh đất trên cho Techcombank, bảng thông tin công trình thể hiện, chủ đầu tư là Techcombank, do nhà thầu Newtecons tiến hành thi công theo giấy phép xây dựng số 11/GPXD do Sở Xây dựng TP.HCM cấp ngày 13/1/2020.
Đến nay, cả Tân Hoàng Minh và Techcombank chưa có thông tin lên tiếng chính thức nào về thương vụ chuyển nhượng này.
Cặp chóe tứ linh bạc tỷ
Cặp chóe tứ linh là một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi nghệ nhân Phạn Anh Đạo (Bát Tràng, Hà Nội) vào năm 2008.
Sau 6 tháng miệt mài tốn gần 600kg đất ông Đạo đã vuốt, nung thành công đôi chóe Tứ Linh cao 2,5m, rộng 1,3m, nặng 500kg lớn nhất từ trước tới nay. Cặp chóe Tứ Linh nổi bật bởi kích thước gần 2 người ôm và kỹ thuật chế tác đặc biệt khi được gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật vuốt gốm cổ truyền.
Đôi chóe khổng lồ ra đời năm 2010 nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các họa tiết vẽ tứ linh (long, lân, quy, phượng) trên chóe được người nghệ nhân khéo léo vẽ lại, dựa trên các họa tiết gốm truyền thống với nước men rạn theo kiểu giả cổ.
Để có được đôi chóe này, nghệ nhân đã mất gần một năm chuẩn bị, với chi phí hơn 250 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng tiền gas để đốt lò nung cho đôi chóe cùng một cặp lục bình và một bát hương cũng đã lên tới gần 40 triệu đồng. Ông Đạo và các cộng sự đã phải thức suốt 6 ngày đêm để canh lò nung.
Sau khi hoàn thành, khách nườm nượp đến xem, nhiều người trả giá hơn 600 triệu đồng, nhưng nghệ nhân này nhất quyết không bán bởi anh cho rằng bán đi không biết lần sau mình có làm thành công nữa không.
Đến ngày 28/5/2016, đôi chóe này được đem đi đấu giá bởi Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt với mức giá khởi điểm là 900 triệu đồng.
Cuộc đấu giá sau khi trải qua 29 lần đẩy giá giữa hai đại gia Bất động sản của Việt Nam là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải. Cuối cùng người thắng chung cuộc là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.
Tới ngày 8/6/2016, Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt đã phát đi thông cáo về việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ chối mua tài sản ông đã đấu trúng tại phiên đấu giá Cặp chóe Tứ Linh.
Ông Vũ Mạnh Hùng khi đó là người đại diện cho Chủ tịch Tân Hoàng Minh- Đỗ Anh Dũng tham gia cuộc đấu giá và là người đưa ra mức giá đặc biệt 6 tỷ 50 triệu đồng.
Đại diện Tân Hoàng Minh khi đó giải thích rằng Chủ tịch Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao, vì lý do đó mà từ chối mua lại đôi chóe. Theo quy định khi ấy, phía ông Đỗ Anh Dũng không được hoàn trả tiền đặt cọc 50 triệu đồng theo quy định.
Cuối cùng, ông Đỗ Quý Hải (người sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Hải Phát) đã đồng ý trả giá 6 tỷ đồng để sở hữu tác phẩm mà Chủ tịch Tân Hoàng Minh nhất quyết “bom hàng”.
Vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm giá 2,4 tỷ đồng/m2
Ngày 10/12/2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM đã tổ chức đấu giá 4 lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Cả 4 lô mang ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 đều có thời gian sử dụng đất 50 năm đối với doanh nghiệp kể từ ngày có quyết định công nhận trúng đấu giá. Đây được coi là những mảnh đất có vị trí đắc địa nên thu hút được rất nhiều khách hàng, doanh nghiệp lớn khắp cả nước tham gia đấu giá.
Cuối ngày, tất cả 4 lô đất đều được đấu giá thành công với số tiền tổng cộng 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm. Cụ thể, lô đất 3-5, diện tích 6.446,1 m2, được bán đấu giá thành công với giá 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm. Lô đất 3-8 rộng 8.500 m2, qua 67 lượt trả giá đã đấu thắng với mức 4.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với giá khởi điểm. Lô đất 3-9 diện tích 5.009,1 m2 có giá trúng 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá khởi điểm.
Đáng chú ý nhất là lô đất 3-12 có diện tích 10.059 m2 có giá khởi điểm 2.942 tỷ đồng. Trải qua 70 lượt trả giá, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trả giá cao nhất với mức 24.500 tỷ đồng để có quyền sử dụng lô đất này, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Tính ra mỗi mét vuông tại lô đất này được doanh nghiệp trả giá 2,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 11/1, Tân Hoàng Minh bất ngờ ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm. Do đó, Công ty BĐS Ngôi Sao Việt sẽ bị mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng, tương ứng với 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12. Đơn vị cũng lên tiếng khẳng định chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật và việc đấu giá tài sản công.
Giải thích về sự việc này, Tân Hoàng Minh cho rằng sau khi đấu giá thành công, ban lãnh đạo tập đoàn đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích từ cơ quan quản lý nhà nước và dư luận, trong đó có ý kiến cho rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt.
Trong tâm thư, Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh nêu lý do "nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng" nên xin bỏ cọc.
Trả lời báo chí thời điểm ấy, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng sau khi xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, cái mất lớn nhất của Tân Hoàng Minh là uy tín, ngoài số tiền cọc gần 600 tỷ đồng.
Ngoài Tân Hoàng Minh, đến đầu tháng 2/2022, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh cũng xin không thực hiện dự án tại lô đất 3.9 có diện tích 5.009,1 m2 mà đơn vị này đã trúng đấu giá với số tiền 5.026 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm gấp 6,9 lần.
Trong khi đó, tính đến sáng 5/4, thông tin từ Cục thuế Tp.HCM, 2 doanh nghiệp còn lại trúng thầu 2 lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm gồm Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3.5 phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ; Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3.8 phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ cũng vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Cục thuế Tp.HCM cho biết tính đến cuối tháng 2, tiền phạt chậm nộp của 2 công ty trúng thầu đất khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) tạm tính hơn 11 tỷ đồng mỗi đơn vị.
Hôm nay (6/4) là sẽ hết thời hạn 90 ngày để các công ty trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Hành động bỏ cọc của Tân Hoàng Minh cũng gây xôn xao dư luận cũng như nhận được nhiều sự quan tâm trên thị trường bất động sản. Sau vụ bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Bộ Xây dựng đã kiến nghị lên Thủ tướng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi... Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nộp dự thảo bổ sung thêm các điều vào Luật Đất đai để hoàn thiện cơ chế đấu thầu BĐS đang gây xôn xao trong dư luận thời gian qua.