RT dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết khối này đang có kế hoạch tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á nhằm phản ứng lại cái gọi là "thách thức an ninh" đang gia tăng từ Trung Quốc – quốc gia từ chối lên án Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Moscow.
Theo ông Stoltenberg, khối này sẽ tiếp đón ngoại trưởng từ các quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển, Georgia và EU nhưng cũng mời ngoại trưởng các đối tác như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tới dự cuộc họp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh hiện nay có tác động trên quy mô toàn cầu.
Các bộ trưởng sẽ thảo luận về các vấn đề chủ chốt, trong đó có xung đột Ukraine. Tuy nhiên, họ cũng lần đầu tiên bàn thảo về các vấn đề bao gồm "ảnh hưởng ngày càng tăng và các chính sách cưỡng chế của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu đặt ra thách thức có hệ thống đối với an ninh".
"Chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc đã không sẵn lòng lên án hành động của Nga và đã cùng với Moscow đặt câu hỏi về quyền lựa chọn đường đi cho riêng mình của các quốc gia", ông Stoltenberg nói và thúc giục các "nền dân chủ" phải đứng lên bảo vệ các giá trị của họ trước các cường quốc độc tài.
Ông Stoltenberg cũng bày tỏ hy vọng khối có thể tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á – Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như "kiểm soát vũ khí, không gian mạng, hybrid và công nghệ".
Kể từ khi xung đột nổ ra, Bắc Kinh đã giữ lập trường cụ thể về vấn đề này, kêu gọi một giải pháp hòa bình cho xung đột nhưng từ chối lên án các hành động của Moscow hay tham gia các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây và đồng minh đang áp đặt.
Trong vài tuần gần đây, Mỹ ngày càng gây áp lực lớn hơn lên Trung Quốc để ép Bắc Kinh phải chọn bên. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn cảnh báo Bắc Kinh về những "hậu quả tiềm năng" cũng như những tổn thất nếu Trung Quốc ủng hộ Nga bất kể về quân sự hay kinh tế.
Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine kể từ ngày 24/2 và trở thành trọng tâm trong các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Các biện pháp trừng phạt được thiết kế để làm tổn hại nhiều nhất có thể tới nền kinh tế Nga. Thậm chí, ngay cả dầu mỏ Nga cũng trở thành mặt hàng bị xa lánh dù giá dầu toàn cầu tăng phi mã.
Với chiến dịch quân sự của mình, Nga muốn Ukraine chấp nhận là một quốc gia trung lập và không bao giờ gia nhập NATO. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa có nhiều tiến bộ trong khi diễn biến trên thực địa cũng có nhiều yếu tố khó lường.
Về phần mình, Trung Quốc luôn chỉ trích Mỹ và phương Tây không có những động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từng nói rằng: "Cộng đồng quốc tế nhận thức rõ ai là kẻ gây rối và là mối đe dọa an ninh thực sự cho thế giới. Những hành động ích kỷ, đổ lỗi cho người khác không chỉ gây tổn hại cho đất nước, dân tộc mình mà còn cho người dân trên toàn thế giới".
Tham khảo: RT
http://tintuc.vdong.vn/04/1302885.htm